Vị thành niên (VTN) là những người chưa trưởng thành nhưng cũng không còn thơ ấu. Ở lứa tuổi này (10-19 tuổi) có một giai đoạn cực kỳ quan trọng diễn ra đối với cuộc đời mỗi con người, đó là giai đoạn dậy thì thường ở vào lứa tuổi VTN nhỡ (14-17 tuổi), kể từ đó người con gái hay con trai về mặt sinh lý, đã có khả năng sinh sản: con gái đã có kinh chứng tỏ buồng trứng đã hoạt động, có rụng trứng; con trai bắt đầu xuất tinh (mộng tinh hoặc di tinh).

Sức khỏe sinh sản (SKSS) của VTN lúc này đứng trước nhiều mối đe dọa. Nếu không được hướng dẫn, chăm sóc một cách đúng đắn, hai nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng đến SKSS của VTN là tình trạng có thai sớm và tình trạng nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQÐTD) do các hành vi quan hệ tình dục không được hướng dẫn hay kiểm soát.


Vậy nên chăm sóc SKSS cho VTN như thế nào?


Không ít người còn nghĩ rằng giấu giếm, thậm chí bưng bít thông tin về các loại kiến thức về tính dục, về sinh lý và hành vi tình dục, về các biện pháp tránh thai đối với lứa tuổi VTN... vì họ cho rằng làm như thế là "vẽ đường cho hươu chạy". Trẻ em ngày nay tiếp xúc rất sớm với đủ mọi loại thông tin trên sách báo, truyền hình, điện ảnh, trong gia đình, tại nhà trường cũng như ngoài xã hội. Vì thế cần làm cho các trẻ VTN biết được những điều cơ bản về chức năng bộ phận sinh dục, những hành vi tình dục an toàn, những nguy cơ của quan hệ tình dục không lành mạnh và hậu quả nghiêm trọng của việc có quan hệ tình dục quá sớm. Làm như thế là "vạch đường cho hươu chạy đúng" còn hơn để nó lạc đường vì thiếu hiểu biết.


Cần hướng dẫn, giáo dục những kiến thức gì cho VNT?


Ðó là:


Những kiến thức về sự thay đổi về thể chất cũng như tinh thần, cảm xúc của tuổi dậy thì cho cả hai đối tượng nam và nữ.


Những kiến thức về quá trình sinh sản: thụ tinh, thai nghén, sinh con, nghĩa vụ vợ chồng, vai trò làm bố mẹ.


Những kiến thức về các biện pháp tránh thai (BPTT).


Những nguyên nhân và hậu quả khi mắc bệnh LTQÐTD và nhiễm khuẩn đường sinh sản, cách phòng ngừa và cách xử trí nếu không may đã bị mắc.


Cần tổ chức và nhân rộng nhiều hình thức hoạt động tập thể thu hút sự tham gia của VTN dạng các câu lạc bộ (CLB) như CLB tiền hôn nhân, CLB bạn gái, CLB hoa học trò, CLB hoạt động theo sở thích...


Cần mở nhiều trung tâm tư vấn về tình yêu - hôn nhân và gia đình và cả những trung tâm tư vấn qua điện thoại để VTN có nơi được đón tiếp, tư vấn, khuyên bảo.


Bên cạnh đó tổ chức và phát triển nhiều nơi vui chơi lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao giúp VTN có cuộc sống thoải mái, lành mạnh, giảm đi nhiều giờ phút sống nhàn rỗi, lặng lẽ, buồn chán dễ dẫn đến ý thức và hành vi tiêu cực.


Cuối cùng không thể thiếu được các dịch vụ chăm sóc SKSS cho VTN. Các trung tâm này ngoài nhiệm vụ thông tin - giáo dục - truyền thông - tư vấn cho VTN về việc phòng ngừa mà còn phải thực sự giúp họ giải quyết những bất thường, tai biến do hậu quả của các hành vi hoạt động tình dục lầm lỡ do thiếu hiểu biết hoặc do cách sống buông thả, quá phóng túng gây ra. Các trung tâm này cần hoạt động theo nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm, đảm bảo tính bí mật và quyền được nhận dịch vụ an toàn đối với VTN.


Tóm lại, CSSKSS cho VTN là một việc lớn, phức tạp, tế nhị không phải chỉ có cán bộ nhân viên ngành y tế mà đòi hỏi cả xã hội, các tổ chức chính quyền, đoàn thể, nhà trường và cả gia đình cùng phối hợp thực hiện.


BS. Phó Ðức Nhuận
 
Top