Tôi không biết bắt đầu câu chuyện như thế nào. Chúng tôi kết hôn đã được hơn một năm và cũng sắp li dị.
Tâm sự một nàng dâu

Ảnh minh họa

Ngày yêu nhau, tôi biết anh là người ít nói. Tuy nhiên, tôi không nghĩ anh lại quá khô khan như vậy, khô khan đến khó chịu.

Kết hôn được 2 ngày là tôi phải đến công ty mới nhận việc, trong khi chồng tôi được nghỉ cưới 2 tuần. Khi tôi đi làm, anh ở nhà, đi đánh bài đến 10h đêm mới về. Vì là dâu mới nên tôi rất ngại phải ở nhà một mình và chỉ muốn có chồng bên cạnh. Khi chồng đi đánh bài trở về, tôi đã không “gây sự” mà chờ bố mẹ chồng “có ý kiến” trước. Nhưng thật bất ngờ, hai cụ không nhắc nhở gì anh ấy. Tôi cho rằng với các cụ, hình như đó là chuyện thường, không có gì quan trọng.

Mọi việc cứ thế tiếp diễn. Anh mặc tôi đi làm rồi về nhà với căn phòng trống, một mình nằm chờ chồng. Có hôm, tôi đợi anh đến 4h sáng. Tôi đã giận dỗi rồi “nịnh nọt”, khuyên anh thay đổi. Anh không tiếp thu mà ngày càng tệ hơn. Anh đánh bài thua, cắm xe máy.

Trong lòng tôi rất tức giận và thất vọng với chồng. Nhưng càng thất vọng hơn khi chuyện anh cờ bạc mà không bị cha mẹ chồng trách mắng. Mẹ chồng còn bắt tôi lấy tiền cưới, chuộc xe về cho anh ấy. Tuy vậy, tôi đã không vâng theo yêu cầu từ bố mẹ chồng. Tôi đã nói với mẹ chồng: “Mất cái xe đó, vợ chồng con có thể làm ra tiền mua được cái xe khác. Nếu con lấy cái xe đó về, anh ấy không biết sợ. Thấy có người chuộc xe cho, anh ấy sẽ tiếp tục làm như vậy”. Mẹ chồng tôi lớn tiếng và chửi tôi là: “Không lấy cái xe về để nó phá hết ra à”.

Bà không một lời khuyên nhủ con trai mình. Tôi thực sự thất vọng về cả chồng lẫn gia đình nhà chồng. Tôi quá buồn nên không làm theo ý mẹ chồng. Tôi cứ thế đi làm. Vậy mà ở nhà, mẹ chồng tôi đã lấy tiền, đi chuộc xe về cho anh. Anh đã xin lỗi, hứa thay đổi nên tôi cũng mủi lòng và tha thứ cho anh. Tôi vẫn tin là chồng mình sẽ biết sửa đổi. Nhưng, anh vẫn chứng nào tật đấy.

Bố chồng tôi cũng là một người nghiện đánh bài. Ông đã từng đánh bài, nợ nần khắp nơi và bị công an bắt liên tục. Những lần như thế, ông phải nhờ em trai của tôi, làm công an xin cho. Bố chồng tôi luôn bênh con trai mình, chửi tôi là “chết vì tiền”. Ông còn bảo tôi “làm người vợ phải biết hy sinh, chồng nó nghiện cái gì thì để nó nghiện, không được cấm nó” .

Ông còn chửi chồng tôi: “Mày đánh bài ngày 2-3 trăm nghìn được rồi. Ngu gì mà đi cắm xe” . Tôi nghe bố tôi dậy chồng tôi mà trong lòng chết lặng. Tôi suy sụp hoàn toàn vì thấy mình bất lực không thể thay đổi chồng, càng không thể nhờ bố mẹ chồng giúp đỡ.

Cuộc sống vợ chồng tôi không những mệt mỏi về vấn đề đó mà còn về vấn đề tình cảm. Từ lúc lấy nhau về, anh chưa bao giờ ăn cơm chung với tôi. Tôi cũng không có ngày cuối tuần nào ở bên chồng. Chồng tôi dành trọn thời gian ngoài công việc cho bạn bè. Anh đi đánh bài, nhậu nhẹt suốt ngày. Hôm nào anh về sớm cũng là 11-12h đêm, muộn thì 3-4h sáng. Tôi cứ một mình trong căn phòng đợi chồng, anh trở về không say xỉn thì cũng mệt nhoài. “Chuyện vợ chồng”, anh cũng chẳng hứng thú.

Mãi 5 tháng sau tôi mới có bầu. Khi tôi báo tin có thai, anh không hề phản ứng gì cả. Tôi thất vọng đến nỗi không ăn uống gì được, phải nghỉ việc 2 tháng. Vậy mà anh không hề quan tâm, vẫn đi thâu đêm suốt sáng mặc kệ tôi vật vã với những cơn nghén. Những món ăn nhà chồng nấu tôi ăn không được. Nếu tôi nấu thì mọi người cứ chê (vì tôi và anh là người ở 2 miền khác nhau).

Sau đó, tôi đã xin bố mẹ chồng ra ở riêng. Không ngờ chồng tôi đã thay đổi: Anh ở bên vợ nhiều hơn, giảm đi đánh bài và bớt nhậu nhẹt. Anh đã biết từ chối nhiều lời mời gọi của bạn nhậu. Bởi vì, ra ở riêng, tôi đã học nấu những món ăn anh thích. Do bụng bầu to, tôi không thể ngồi giặt đồ được nên nhờ anh giúp. Chồng tôi cũng vui vẻ nhận lời.

Tuy nhiên, tình cờ mẹ chồng sang chơi, thấy cảnh này, bà tỏ ý không thích. Thế là ngày hôm sau, trong lúc vợ chồng đi làm, quần áo bẩn của anh được mẹ chồng sang phòng lấy về giặt riêng. Thấy vậy, tôi không dám nhờ chồng vì còn lại là toàn là quần áo của mình. Tôi biết anh đã thay đổi nhưng vẫn giấu tôi đánh bài những ngày cuối tuần. Anh lợi dụng công việc để nói dối vợ.

Đến ngày sinh con, tôi thiếu nước ối nên phải sinh mổ. Bé nhà tôi bị nhiễm trùng, phải nằm viện mất nửa tháng. Gia đình bên ngoại tất bật lo cho hai mẹ con tôi. Còn chồng tôi cứ ăn no ngủ kỹ, mặc kệ mọi chuyện cho nhà ngoại.

Khi bé nhà tôi sắp xuất viện thì bố mẹ chồng xuống. Không được lời cảm ơn gia đình bên ngoại, bố mẹ chồng tôi còn quay ra trách cha mẹ tôi vì không đưa cháu đến viện Nhi. Tôi có nói lại: “Con sợ đưa cháu đi viện Nhi thì không có người trông, mà cháu còn có 2 ngày nữa là suất viện. Ở gần đây, ông bà còn không đoái hoài gì đến”.

Vậy mà sau đó, mẹ chồng tôi gọi điện cho chồng tôi, nói là tôi chửi xối xả vào mặt bà. Bà còn yêu cầu không nhận tôi làm con dâu nữa, trả tôi về cho bên ngoại. Mẹ chồng tôi còn bảo với tôi là bà xấu hổ khi thông gia với bố mẹ tôi.

Theo phong tục quê tôi, con dâu đẻ thì về nhà mẹ chồng chứ không ở nhà mẹ đẻ như những quê khác. Cho nên, tôi định xuất viện về lại nhà chồng nhưng mẹ chồng không cho tôi về. Bà còn bắt bố mẹ tôi lên xin lỗi mới cho tôi về. Biết chuyện, bố mẹ tôi rất bực. Bố tôi đề nghị tôi cứ về trên nhà ngoại. Mẹ tôi cũng nói, đã có mâu thuẫn, bây giờ mà về thì sẽ bị bên nhà chồng chửi mắng. Tôi cứ tạm về bên ngoại, có gì sau này hết thời gian ở cữ thì sẽ tính tiếp.

Thế là tôi về bên ngoại. Đến Tết, con tôi được hơn một tháng. Tôi cũng vì không muốn chồng mình buồn nên gọi điện về chúc Tết và xin lỗi ông bà nội. Tôi nói với bố mẹ chồng rằng: “Năm cũ qua rồi, mẹ để chuyện cũ qua đi. Năm mới, mẹ con mình đón niềm vui mới”. Tuy nhiên, bên nhà chồng vẫn cố chấp và không tha thứ cho tôi.

Khi sinh, tôi không được lời động viên từ chồng. Nay, anh lại nghe bố mẹ mà chửi tôi thậm tệ. Anh đòi bỏ tôi. Một lần, chồng tôi xuống thăm hai mẹ con. Không hiểu sao anh biết chỗ tôi cất thẻ ATM, anh đã lấy trộm và mang đi đánh bài hết số tiền trong tài khoản mà tôi tiết kiệm để nuôi con.

Tôi biết chồng mình mãi mãi không thay đổi. Tôi cũng không thể chịu đựng thêm được nữa nên đã nộp đơn li dị. Sau đó, tôi báo cho chồng biết chuyện này. Vậy mà, chồng tôi tưởng tôi dọa anh như những lần trước. Anh còn chửi và chế giễu tôi.

Mẹ anh và cô em dâu đến công ty, mang trả quần áo cho tôi. Họ còn bịa đặt với chồng tôi là tôi nhờ em dâu anh dọn đồ giúp tôi. Chồng tôi nghe thế lại chửi tôi không thương tiếc. Tôi bực quá nên tìm gặp em dâu để hỏi cho rõ. Cô ấy chối là không biết gì, rồi gọi điện cho mẹ chồng tôi. Bà lại gọi điện cho chồng tôi, nói là tôi chửi nó ngất lên ngất xuống ở công ty.

Đến ngày tôi và anh ra tòa, anh đã không tới. Anh cứ chửi rồi lại xin tôi tha thứ. Tôi đã quá mệt mỏi cho dù biết rằng, quyết định của mình sẽ làm khổ con. Nhưng thực sự anh không có tình cảm với con. Từ Tết đến hôm 30/4, anh mới xuống thăm hai mẹ con nhưng không bế con lấy một lần. Anh cũng chưa mua cho con được hộp sữa. Không phải chồng tôi không có tiền vì tôi biết, lương của anh khoảng mười mấy triệu đồng mỗi tháng.

Thực sự, không phải là tôi không còn yêu anh mà không dám trở về. Cũng không phải là tôi không thể tha thứ cho chồng. Điều tôi sợ nhất là nếu chúng tôi quay lại thì tôi không thể sống chung với bố mẹ chồng. Từ nhỏ, chồng tôi chưa bao giờ sống tự lập nên anh phải phụ thuộc vào cha mẹ. Nếu cãi lời cha mẹ, quay lại với tôi thì anh sẽ không được chia đất đai, nhà cửa. Khi đó, anh sẽ quay lại trách mắng tôi, là vì mẹ con tôi mà anh mất tất cả. Và rồi chúng tôi cũng sẽ tan vỡ. Tôi phải làm sao để có một quyết định đúng đắn?

 
Top