Năm học mới, các teengirl đua nhau may áo dài mới. Lợi dụng việc nhà trường không thể kiểm soát được hết "một rừng" áo dài một số nữ sinh đã "mượn" áo dài để nói lên xì - tai "không đụng hàng" của mình.

Trung tâm thời trang

Những teengirl chịu chơi bằng cách "chấm phá" lên đồng phục đi học thường tập trung vào khối 10, 11, vì đa phần may áo dài mới trong hai năm học đó. Lợi dụng sự lỏng lẻo của nhà trường (trường công lập có quy định về áo dài rất cụ thể, nhưng trường dân lập cho phép may tự do, thoải mái), cũng như những lời "truyền tụng" từ "đàn chị" đi trước truyền tai nhau mà một số nữ sinh đánh liều...phá cách trên trang phục truyền thống, khiến trường học giống một "trung tâm thời trang" thực thụ.

Cổ áo: 1001 kiểu

Dạo quanh hành lang ở khối 11 trường dân lập H.M (Gò Vấp) vào giờ ra chơi, thật không khó để bắt gặp các tà áo dài đặc biệt đến nỗi người nhìn phải "há hốc", có bạn may cổ áo khá rườm rà, đơm những hạt nút to bản phía dưới thành một chuỗi, hoặc viền ren, có teengirl may áo cổ thuyền, thậm chí thiết kế..."độc" hơn, biến cổ áo dài thành cổ tay bèo y như áo sơ mi đi học! Một số may cổ thật cao, nhưng rộng đến gần bên vai.

"Chất liệu"

Qua rồi thời áo dài có hoa văn chìm nổi. Giờ đây, nữ sinh chọn vải áo dài theo tiêu chí "càng mỏng càng tốt", vậy mới chứng tỏ sự "sành điệu" trong gu ăn mặc của mình. Có lần, người viết bắt gặp một nữ sinh lớp 12 trường N mặc áo dài hoa văn ca - rô, nhưng chỉ có viền ô vuông là "hơi đậm", còn diện tích bên trong thì mỏng đến mức thấy cả màu da thịt! Vậy mà nữ sinh ấy vẫn tự tin khi khoác "bộ cánh" ấy lên người mình!

D.H (lớp 11 trường T) nói: "Nếu mỏng vừa phải như vải của Thái Tuấn thì không nói gì, bởi có thể may hai lớp từ thắt lưng trở lên, những chi tiết còn lại mỏng cũng không sao, nhưng mình thấy có bạn mặc mỏng từ trên xuống dưới, người khác nhìn vào còn cảm thấy ngượng, huống hồ người mặc. Mỏng quá mất đẹp, lại còn tạo ấn tượng không tốt với người đối diện nữa chứ!"

Đến những "chi tiết nhỏ"

Bạn có đủ tự tin để may một trong ba kiểu tay áo dưới đây?

  • Một tay áo phồng, một tay áo cực mỏng, thấy rõ da thịt.
  • Một tay rất dài, đơm nút, tay áo còn lại thì...lửng, loe ra.
  • Cả hai tay áo đều lửng, được rút dây và gút bằng nút thắt nơ.

Ấy vậy mà những xì - tai ấy được phát hiện tình cờ tại trường X - một trường công lập. Các chủ nhân của những bộ cánh ấy vẫn vô tư mặc, vẫn chưa nhận được "tín hiệu phàn nàn" gì từ nhà trường.

Tác phong người mặc

U.N (lớp 11 trường T): "Khoác trên người trang phục truyền thống, vậy mà vài nhỏ lớp mình không ý tứ chút nào. Mặc áo dài thì đẹp, mà lúc nào cũng nhí nhảnh, chạy nhảy, giỡn lung tung, đôi khi bị đứt cúc, thậm chí rách tà, vậy mà vẫn không chừa. Có vài đứa tháo ba bốn nút ở cổ, nhìn bê bối hết sức, vậy mà tụi nó tưởng đẹp".

P.K (lớp 12 trường M): "Đôi khi nhìn mấy bạn nữ mặc áo dài mà mình cảm thấy ngại giùm họ. Áo dài đã mỏng rồi mà còn "diện" thêm "underwear" màu, hết biết! Tại đây là chuyện tế nhị nên nhà trường có thấy cũng không kỉ luật".

Bản chất áo dài là vẻ đẹp giản dị, trong sáng và tinh tế. Nếu chỉ một chút cách điệu cho đẹp hơn, xinh hơn trong mắt mọi người thì không có gì đáng bàn cãi. Nhưng nếu trong học đường mà lại có những xì - tai chóng mặt như thế thì...Thời trang, đôi khi chẳng cần cầu kì teen ạ! Nếu biết cách, một nữ sinh giản dị vẫn có thể tạo nét duyên ngầm, chứ không cần "cách điệu thái quá" trên trang phục truyền thồng của người Việt Nam.

 
Top