Mùa Noel, tức là những ngày cuối năm, thời tiết có xu hướng se lạnh. Do đó khi tắm rửa không nên dùng nước nóng quá khiến da càng bị căng, cũng không nên dùng nước quá lạnh, chỉ cần rửa với nước nhiệt độ đủ ấm là được, nhưng nên rửa mặt nhanh hơn thường ngày, đừng ngâm da mặt trong nước quá lâu.
Chăm sóc da Nên sử dụng sữa rửa mặt để tẩy sạch các loại bã nhờn, khói bụi...
Chú ý khi dùng các loại sữa rửa mặt có các hạt mịn nên massage nhẹ nhàng, không nên rửa quá mạnh dễ gây trầy xước da.
Sau khi da mặt đã hoàn toàn sạch sẽ, nên thoa nước lotion để dưỡng ẩm, làm dịu làn da, se khít lỗ chân lông. ]
Buổi tối khi đi ngủ nên dùng kem dưỡng da ban đêm có chứa vitamin E để cung cấp dưỡng chất đầy đủ, giúp làn da nhanh chóng phục hồi, chống lão hóa.
Nếu vẫn còn cảm thấy da mặt căng và khô rát khi sử dụng sữa rửa mặt thì nên ngưng dùng một thời gian, thay thế bằng các loại làm ẩm da bằng kem nẻ có chứa thành phần glycerin, lanolin (mỡ lông cừu), tinh dầu mầm lúa mì, jojoba, dầu khoáng...
Chế độ ăn uống trong mùa lạnh cũng đóng vai trò rất quan trọng. Mùa lạnh da thường bị khô do thiếu nước. Vì thế, cần chú ý uống đủ nước, ăn nhiều rau và trái cây, đặc biệt là các loại rau quả có bổ sung sinh tố C như xà lách, bắp cải, cà chua, khoai tây, cam, chanh, quýt, bưởi...
Sinh tố C không những giúp làm đẹp da, nhanh lành các vết thương, làm mờ các vết nám mà còn giúp cơ thể tăng sức đề kháng, tránh được các bệnh cảm cúm trong mùa đông.
Cơ thể thiếu sinh tố C có thể là nguyên nhân gây chảy máu dưới da, da dày, sần sùi, khô và sậm màu, mụn nhọt phát sinh...
Làn da khô càng cần được chăm sóc da kỹ càng hơn trong mùa lạnh.
Ngoài những cách trên, cần đắp mặt nạ ít nhất một lần một tuần để hút chất bẩn, bã nhờn, cung cấp dưỡng chất, thu nhỏ lỗ chân lông giúp làn da láng mịn hơn. Nếu không có điều kiện đến các thẩm mỹ viện, có thể tự làm một số loại mặt nạ tươi để sử dụng ở nhà.
Loại mặt nạ dễ làm nhất là dùng một quả lê gọt hết vỏ, tán nhuyễn rồi đắp đều lên khắp vùng mặt và cổ. Loại mặt nạ khác cũng có công hiệu khá tốt làm bằng một củ khoai tây bóc vỏ rồi hấp chín (tốt nhất là hấp khi nấu cơm, khoai sẽ chín đều dễ dàng cho việc tán nhuyễn), sau đó trộn chung với sữa tươi rồi thoa đều lên da.
Ngoài ra một số loại mặt nạ dưới đây cũng giúp cải thiện làn da mịn màng và tươi sáng hơn vào mùa lạnh:
- Mặt nạ củ cải trắng và mật ong: Lấy một lượng vừa phải củ cải trắng, mật ong. Rửa sạch củ cải, xay thành nước. Cho thêm một lượng vừa phải mật ong rồi trộn đều. Bôi lên mặt, nhẹ nhàng massage trong 10 phút rồi rửa sạch.
- Mặt nạ lòng đỏ trứng, mật ong và sữa: Lấy một lòng đỏ trứng gà, mật ong, sữa, bột mì trộn đều. Trước khi ngủ bôi đều lên mặt, để trong vòng 20 phút, sau đó dùng nước ấm rửa sạch. Loại mặt nạ này thích hợp với da khô và những ngày thời tiết khô hanh.
- Mặt nạ mướp đắng: Rửa sạch mướp đắng, cho vào tủ lạnh, để vào ngăn giữ lạnh khoảng hai giờ, lấy ra rửa sạch cắt thành lát. Đắp đều mướp đắng lên mặt, cả vùng mắt, để trong 20 phút rồi rửa sạch mặt.
- Mặt nạ dưa hấu, trứng gà: Lấy một lượng vừa phải dưa hấu, lòng đỏ trứng gà trộn lẫn, sau đó từ từ cho bột mì vào, trộn đến khi hỗn hợp quánh lại. Đắp đều lên mặt, để khoảng 10 phút rồi rửa sạch mặt. Mỗi tuần làm từ hai, ba lần.
Lưu ý: Khi đắp mặt nạ cần nằm yên thư giãn, tránh cử động. Sau đó rửa mặt thật sạch bằng nước thường.
Chăm sóc môi Đối với những người có làn môi nhạy cảm với thời tiết, khi trời lạnh, da môi thường bị căng rát, dễ bong tróc, lột da, gây chảy máu.
Trong trường hợp này, cần sử dụng vaselin hoặc loại son có chứa chất dưỡng môi để giúp môi luôn có đủ độ ẩm, đàn hồi tốt và giữ được màu sắc tươi tắn. Môi khô nẻ có thể xuất phát từ một vài nguyên nhân, chẳng hạn thời tiết khô hanh, phải tiếp xúc nhiều với ánh nắng, hay liếm môi, thiếu vitamin B2...
- Phủ lên môi một lớp kem dưỡng ẩm có chứa vitamin E hoặc tinh chất lô hội giúp môi không bị khô.
- Dùng son dưỡng môi có thành phần chống nắng nếu đi ra ngoài.
- Tránh liếm môi vì khi nước bọt bay hơi, môi sẽ càng bị khô.
- Uống nhiều nước.
- Nếu thời tiết quá khô, nên dùng máy tạo hơi ẩm trong phòng.
- Bổ sung đầy đủ vitamin B2 để tránh xuất hiện những vết nứt nơi khóe miệng.
- Trước khi thoa son, nên thoa chút dưỡng môi để tạo độ ẩm.
- Nếu những biểu hiện khô nẻ vẫn tồn tại lâu, nên đến gặp bác sĩ để có hướng điều trị đúng.