Vào những ngày lễ, tết, giỗ chạp, bánh trái chất đầy ngồn ngộn, mọi người ăn uống thỏa thích, lúc ấy người ta lại nghĩ đến một thứ thức ăn đạm bạc và còn giúp cho bao tử làm việc nhẹ nhàng đó là loại bánh tro. Bánh tro không hấp dẫn nhưng nó là thứ bánh giải vị, ăn xong vài miếng bánh tro, bụng dạ sẽ nhẹ nhàng giúp ta có thể ăn tiếp nhiều thứ khác ...

Theo các bà nội trợ, làm bánh tro không khó lắm nhưng làm khéo lại là một chuyện khác. Trước tiên phải chọn nếp. Phải là nếp tháng ba, hạt mẩy đầy đủ dinh dưỡng, ít lộn tẻ. Người nội trợ đem nếp trải ra trên mâm nhặt những hạt tẻ tức là hạt gạo. Theo kinh nghiệm của các bà nội trợ thì hạt nếp thường có màu trắng sữa, còn hạt tẻ có màu hơi trong là những hạt gạo bị trộn lẫn với nếp cần nhặt bỏ.

Theo kinh nghiệm dân gian, thân cây mè đem đốt cháy sẽ cho loại tro tốt nhất dùng để ngâm nếp làm bánh tro. Nếu không có tro mè thì lấy tro than củi cũng được nhưng phải dùng rây lọc thật kỹ. Sau đó dùng một chậu nước trong, đổ tro vào khuấy đều cho bột tro thấm nước chìm xuống đáy chậu. Các thứ bọt bẩn và mẩu than nhỏ nổi lên trên ta gạn bỏ. Khi tro lắng xuống thì chắt lấy nước. Sau đó đổ nếp đã chọn vào nước tro, ngâm ba ngày ba đêm. Đến ngày thứ ba dùng nước vo lại cho sạch gạo nếp, sau đó vớt nếp ra trên rá tre, để cho ráo nước trước khi gói bánh.


Bánh tro

Để gói bánh tro, người ta dùng lá sậy, hoặc lá cây thơm nếp. Lá sậy và lá thơm nếp không to nên gói bánh rất khó, đòi hỏi sự khéo tay của người nội trợ. Để tăng chiều rộng của lá ta phải xếp nối các tàu lá với nhau. Bên dưới lá người ta đặt sẵn những sợi lạt nhỏ và mềm để bưộc bánh. Khi gói bánh người ta múc một chén nếp tro, đổ dài trên mặt lá rồi khéo léo cuốn thành chiếc bánh theo hình trụ, xóc hai đầu cho đều, sau đó buộc lại, thế là xong chiếc bánh. Trình tự tiến hành đơn giản nhưng đòi hỏi sự khéo léo của người nội trợ. Những cây bánh tro gói xong dài chừng mười lăm đến hai chục phân, to bằng cán rựa Đặt các chiếc bánh theo chiều đứng vào nồi nấu bánh. Sau đó dổ nước ngập chiếc bánh và dun lữa chừng bốn 5 tiếng đồng hồ thì đảo bánh từ dưới lên trên cho chín đều.. Khi bánh tro đã chín vớt ra, để hơi ngượi rồi dùng tay lăn cho chiếc bánh tròn đều.

Bánh tro gói bằng lá sậy nên có màu vàng nâu. Muốn bánh bớt đậm thì dùng lá non hơn. Bánh gói bằng lá thơm nếp lại có màu xanh lá cây. Những bà nội trợ khéo tay có thể điều chỉnh màu bánh từ vàng nhạt đến vàng nâu, từ xanh lục nhạt đến xanh đậm bằng cách thay đổi lá gói hoặc chọn tro phù hợp.
Khi ăn bánh tro, người ta mở từng lớp lá sẽ dần hiện ra cây bánh tro màu hổ phách trong veo, thoang thoảng mùi lá. Tét từng lát bánh bằng lạt tre, những miếng bánh dày chừng một phân xếp tròn lên mặt dĩa trông rất ngon. Thường bánh tro ăn với đường cát trắng. Bánh tro có vị rất nhẹ, đạm bạc, có tác dụng kích thích tiêu hóa, rất thích hợp với người già và trẻ nhỏ và người bệnh còn yếu ăn làm thuốc trong ba ngày xuân.

Nhìn những chiếc bánh ú và lát bánh tro xếp ra mâm, ta mới thấy hết cái khéo léo, dịu dàng của người dân quê Việt Nam. Ngày xưa trong đạo tứ đức, chữ "công" được các cụ xếp vào hàng đầu tiên nhằm răn dạy điều hay, lẽ phải cho người phụ nữ Việt Nam.

 
Top