Ảnh: jupiterimages.com
TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ và PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM sẽ tư vấn về sức khỏe sinh sản với chủ đề: Điều trị và dự phòng các viêm nhiễm cơ quan sinh dục nữ và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.


* Em vừa lập gia đình, có đi khám bệnh thì siêu âm bác sĩ nói buồng trứng đa nang nhưng không cho uống thuốc mà bảo bệnh cũng có thể tự hết nên cứ về theo dõi xem thế nào. Em rất lo lắng vì sợ bệnh sẽ không có con được. Bác sĩ cho em hỏi có khi nào siêu âm thấy hình ảnh nhiều nang nhỏ là chắc chắm bị buồng trứng đa nang không?


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Buồng trứng đa nang không phải là bệnh nhưng được xem như một bất thường của buồng trứng không phóng noãn đều. Do đó bệnh nhân sẽ bị rối loạn kinh nguyệt và có thể khó có con.


Nếu lập gia đình, sau 6 tháng không có thai thì nên đi khám phụ khoa để được bác sĩ cho thuốc kích thích rụng trứng. Cũng có khi những trường hợp buồng trứng đa nang có thể tự rụng trứng, vì vậy những bệnh nhân này cũng có thể có con tự nhiên, nhưng hiếm. Trên siêu âm, nếu thấy nhiều nang nhỏ thì có thể chẩn đoán là buồng trứng đa nang. Nói chung, bệnh này không nguy hiểm, nhưng có thể làm cho khó có con.


* Em có em bé được 17 tháng tuổi và sinh mổ, vậy thời gian khoảng bao lâu thì em có thể mang thai lại. Em vừa mới đặt vòng tuần vừa rồi nhưng huyết trắng ra nhiều hơn bình thường, không gây đau rát, nhưng có màu hơi vàng như thế có sao không? Từ trước đến nay em chưa bao giờ bị bệnh gì về đường sinh dục.


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Em bé được 17 tháng tuổi thì bạn có thể mang thai lại được rồi. Tuy nhiên, dù sanh mổ hay sanh thường thì 2 em bé nên cách nhau 5 năm là tốt nhất.


Huyết trắng hơi vàng có thể là do dị ứng dây vòng. Nếu trong vòng 1 hoặc 2 tuần nữa mà tình trạng vẫn như vậy thì em nên đi tái khám.


* Xin bác sĩ cho tôi hỏi là: tôi bị ngứa ở âm đạo, đi khám bác sĩ cho thuốc vừa uống vừa bôi sau một thời gian thì hết, bây giờ bị ngứa lại mà tôi đang mang thai xin bác sĩ hướng dẫn cho tôi nên sử dụng loại thuốc gi. Vào buổi tối trước lúc đi ngủ tôi thường hay vệ sinh âm đạo bằng nước muối có được không? Tôi xin cảm ơn bác sĩ.


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Trường hợp của bạn, có thể là bị viêm âm đạo do nấm. Tình trạng viêm nhiễm này thường dễ tái phát, nhất là khi vùng âm hộ bị ẩm ướt hoặc mặc quần bó chặt, cũng có thể do có thai.


Do đó, bạn nên đi khám bác sĩ để được xét nghiệm xem có phải bị viêm âm đạo do nấm hay không. Buổi tối, khi đi ngủ, bạn chỉ nên vệ sinh vùng âm hộ bằng nước sạch, không nên rửa bằng nước muối để tránh gây rối loạn môi trường âm đạo dễ dẫn đến viêm nhiễm.


* Tôi thường hay bị ra khí hư màu vàng, không có mùi, âm đạo không có triệu chứng ngứa. Xin bác sĩ cho biết tôi có bị viêm âm đạo không (tôi mới lập gia đình, chưa có con)


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Khí hư sinh lý thì ít có màu vàng. Do đó, bạn nên đi khám phụ khoa mới biết có bị viêm âm đạo hay không.


* Em bị nạo thai lưu cách đây 6 tháng, hiện giờ em bị viêm lộ tuyến cổ tử cung >1cm. Em đã đặt 30 viên thuốc Neo-Teryzan và không thấy nhiều khí hư nữa. Bác sĩ tư vấn giúp: em có cần đốt điện để hết viêm rồi mới có thai lại hay có thai rồi sinh em bé xong thì mới xử lý để hết viêm. Vợ chồng em chưa có con nên rất mong có con trong năm nay. Xin cảm ơn bác sỹ nhiều.



PGS-TS -BS Trần Thị Lợi
- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Lộ tuyến cổ tử cung là một tình trạng bình thường của cổ tử cung chứ không phải bệnh lý. Do đó, nếu bị lộ tuyến cổ tử cung mà không có nhiều khí hư như em mô tả tình trạng hiện nay thì không phải điều trị gì thêm, nhất là em chưa có con không nên đốt điện cổ tử cung, có thể ảnh hưởng đến tình trạng mở cổ tử cung khi sinh đẻ.


* Hai hôm nay, em thấy âm đạo tiết nhiều dịch màu vàng, cảm giác rất ngứa và hơi nóng. Em đang rất bận nên không có thời gian đến phòng khám. Em rất mong Ban tư vấn SKSS giúp em chẩn đoán bệnh và cách điều trị. Em xin cảm ơn rất nhiều.


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Nếu huyết trắng vàng mà lại ngứa rát thì đây là bệnh lý chứ không phải bình thường. Em nên dành thời gian đi khám để thử huyết trắng và được chẩn đoán bệnh chính xác.


* Cháu bị đau bụng có kinh từ rất lâu từ khi học lớp 10. Mỗi lần đau rất nhiều có thêm buồn nôn cháu có đi khám nhưng bác sĩ mói không sao, nhưng sau đó vẫn đau rất nhiều. Cháu đang đi học nên rất khó khăn cho việc học, cháu không biết mình bị làm sao nữa. Cháu cần bác sĩ giúp đỡ chỉ cho cháu thuốc điều trị bớt bệnh. Cảm ơn!


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Đối với những em gái chưa lập gia đình, nếu siêu âm không có khối u gì của buồng trứng thì có thể điều trị chứng đau bụng trước khi hành kinh bằng cách uống thuốc ngừa thai trong 3 chu kỳ liên tiếp, theo cách: vỉ đầu tiên uống vào ngày thứ nhất của chu kỳ, mỗi tối 1 viên; hết vỉ thứ nhất nghỉ 1 tuần rồi uống tiếp vỉ thứ hai. Sau 3 tháng, nếu vẫn không hết đau bụng, nên đi khám chuyên khoa.


* Em đã lập gia đình đã được 3 tháng, không hiểu sao có những lúc, nhất là từ giữa chu kỳ kinh trở về sau gặp hiện tượng "El Nino" gây trắc trở trong chuyện vợ chồng. Vậy cho em biết những nguyên nhân gây ra hiện tượng đó? Ngoài ra, huyết trắng thường có mùi chua, màu vàng xanh và gây ngứa. Có thể dùng thuốc gì để điều trị ạ?



TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy
- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Sau khi rụng trứng, do hiện tượng nội tiết giảm, nhất là chất estrogen nên người phụ nữ có thể cảm thấy không ham thích chuyện chăn gối. Nhưng đó chỉ là nguyên nhân nhỏ. Nhiều khi sự lo sợ mang thai hoặc trạng thái tình cảm, tâm sinh lý không ổn định cũng có thể gây ra tâm lý không ham thích. Vai trò của người chồng rất quan trọng. Trước khi "vào cuộc", hai vợ chồng nên tạo không khí thân mật, lãng mạn và có sự kích thích lẫn nhau. Đôi khi người vợ nên chủ động để có đạt được sự hòa hợp cao.


Huyết trắng sinh lý là loại huyết trắng thường có giữa chu kỳ kinh và khi sắp có kinh. Nó thường không màu hoặc màu trắng, ít, có thể loãng hoặc hơi đặc, không mùi, không gây ngứa, không gây khó chịu. Còn huyết trắng bệnh lý thì không có những đặc điểm đó. Như vậy, em có thể đã có vấn đề về viêm nhiễm, cần phải đi khám bệnh, không nên tự tiện dùng thuốc.


* Tre em 6-8 tuoi am dao ra dich duc vang xu tri ra sao? Co can cay dich am dao?


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Đó là hiện tượng bất thường, cần được khám ở các trung tâm y tế sản phụ khoa.


* Toi bi rong kinh da mot nam nay. Xin hoi bac si nhu sau: Nguyen nhan gay rong kinh? Cach dieu tri...


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Có rất nhiều nguyên nhân gây rong kinh khác nhau, tùy thuộc vào mỗi độ tuổi. Có nguyên nhân sinh lý nhưng cũng có nguyên nhân bệnh lý. Bạn cần được khám phụ khoa và làm một số khảo sát về tử cung và buồng trứng để được chẩn đoán và điều trị theo nguyên nhân.


* Em đã lấy chồng được 3 năm nhưng vẫn chưa sinh em bé. Em có đi khám tổng quát tại Bệnh Viện C Hà Nội thì kết quả như sau: Cổ tử cung, vòi trứng tốt. Quanh buồng trứng phải có nhiều nang cỡ 0,8mm. Xét nghiệm Mangtu thi kết quả Âm tính. Em đã đến Bệnh viện Lao Phổi và hiện nay đang điều trị tại bệnh viện này. Em được biết đây là bệnh Lao phụ khoa. Vậy xin bác sĩ cho biết là bệnh này có nguy hiểm không và có phải là nguyên nhân gây vô sinh không? Em cũng không biết lý do tại sao em bị bệnh này và nhờ bác sĩ tư vấn em nên chữa trị theo cách nào? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Bệnh lao phụ khoa thường là thứ phát sau lao phổi. Nói cách khác, nguyên nhân của bệnh lao phụ khoa là lao phổi. Tình trạng lao phụ khoa sẽ gây vô sinh, vì hai vòi trứng đã bị hư hỏng hoàn toàn. Do đó, nếu muốn có con, bệnh nhân nên chuẩn bị để được thụ tinh trong ống nghiệm.


* Đến giữa chu lỳ kinh nguyệt tôi lại bị ngứa ở vùng kín và đã điều trị bằng cách uống thuốc (cả chồng và vợ) và đặt thuốc thì khỏi nhưng sang tháng sau lại bị ngứa như tháng trước và cứ thế tôi đã điều trị nhiều lần nhưng không dứt. Hằng ngày tôi vệ sinh rất kỹ, áo quần không ẩm ướt. Tôi đã xét nghiệm nhiều lần, kết quả nấm ++. Mong bác sĩ cho lời giải thích.


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Bạn bị viêm âm hộ, âm đạo do nấm thì rất dễ bị tái phát. Nhiều khi nguyên nhân không phải do vấn đề vệ sinh không kỹ mà có thể do nguyên nhân toàn thân, chẳng hạn như bị bệnh tiểu đường, có thai hoặc dùng kháng sinh kéo dài để điều trị một bệnh viêm nhiễm nào đó (chẳng hạn viêm xoang). Trong điều trị, có thể bị kháng thuốc nếu tái nhiễm nhiều lần. Bạn nên đi khám tổng quát và nên lấy huyết trắng thử kháng sinh đồ để sử dụng thuốc cho phù hợp.


* Tôi đang có thai gần 5 tháng rưỡi. Cách đây 1 tháng tôi bị ngứa vùng âm đạo (có ra chất giống bã đậu phụ). Tôi được bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm nấm Candidan 3+, tạp khuẩn dày đặc, tế bào 3+. Bác sĩ cho đặt 1 viên thuốc Canesten và chồng uống 1 viên Flunco 150. Sau 1 tuần tôi đến tái khám thì được chẩn đoán vẫn còn tạp khuẩn 3+, tế bào 3+. Rồi bác sĩ cho 1 vĩ thuốc gồm 6 viên về nhà tự đặt hiệu Polygynax. Nhưng đến nay tôi bị ngứa trở lại. Nhưng ra ít chất giống bã đậu phụ hơn lần trước. Tôi đễn khám lại nhưng không gặp bác sĩ do bác sĩ đi xa. Xin cho tôi hỏi: tôi có thể đặt thuốc lại như trước không? Tôi có phải bị nhiễm lại nấm Candida không? Nếu đặt thuốc hoài như thế có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên? Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Phụ nữ có thai rất dễ bị viêm âm đạo do nấm. Bạn đã được điều trị đúng cách với Canesten.


Tuy nhiên, để tránh bị tái phát, bạn nên sử dụng Canesten - loại viên đặt trong âm đạo trong 6 ngày kết hợp với thuốc bôi vùng âm hộ trong 7 ngày. Bạn cần lưu ý giữ vệ sinh bằng âm hộ bằng cách rửa bằng nước sạch và thấm khô.


* Em năm nay 23 tuổi, kinh nguyệt của em không đều, có khi 2 khi 3 thang mới có. Khi có thì kéo dài 1 đến hơn 1 tuần, kinh nguyệt co màu nâu đen và khô. Em rất lo lắng không biết như vậy có làm ảnh hưởng đến tương lai không? Và như vậy thì có chữa được không? Em xin cam ơn bác sĩ.


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Kinh nguyệt của em như vậy có thể là do rối loạn nội tiết, buồng trứng phóng noãn không đều. Đây là điều bình thường, em có thể yên tâm. Em vẫn có thể sinh con bình thường. Khi nào bị rong kinh thì mới cần được điều trị.


* Bộ phận sinh dục có mùi hôi có phải là bị viêm âm đạo hay không?


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Có thể bạn đã bị viêm âm đạo do vi trùng.


* Thưa BS, em mới sanh em bé được 10 tháng. Sau khi sanh em có đi khám lại để xem bộ phận sinh dục như thế nào. BS cho em biết là CTC lộ tuyến nhẹ. Em không biết bị CTC lộ tuyến có sao không? Xin BS cho biết.


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Em nên đi tái khám. Sau khi sinh con 6 tháng, các bà mẹ đã nên đi khám. Cổ tử cung lộ tuyến nhẹ có thể do mang thai, do sinh con, do nội tiết. Cũng cần phải điều trị nếu có hiện tượng tiết dịch nhiều.


* Có phương pháp xét nghiệm nào để biết có bị mắc bệnh "sùi mào gà" hay nhiễm virus HPV hay không? Nếu mắc bệnh thì liệu sau này có ảnh hưởng đến con. (Tôi đã lập gia đình 5 tháng, chưa mang thai)


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Sùi mào gà là một lọai bệnh da liễu, do đó đa số trường hợp đều có những tổn thương ngoài da mà người bệnh tự biết được. Đôi khi cũng có những tổn thương trong âm đạo, cổ tử cung (sẽ được phát hiện khi khám phụ khoa). Virus HPV gây ra sùi mào gà là loại HPV lành tính, không gây ung thư cổ tử cung.


Ngày nay, để theo dõi những trường hợp có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung, người ta có thể làm xét nghiệm phát hiện DNA của virus HPV. Nếu chỉ bị sùi mào gà thì không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, nhưng nếu kết hợp với những bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, Chlamydia trachomatis thì có thể giảm khả năng thụ thai do nghẹt vòi trứng.


* Cơ quan sinh dục (ngoài) của tôi thường bị ngứa, rất khó chịu mặc dù tôi vệ sinh rất kỹ và sử dụng dung dịch vệ sinh dùng cho nữ nhưng về đêm thì ngứa nhiều hơn đồng thời trên quần lót bị ố vàng. Hiện tượng của tôi là bệnh gì và chữa trị như thế nào? Ở đâu (tôi rất ngại bác sĩ nam khám)?


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Nếu vệ sinh quá kỹ, dùng những loại thuốc có chất sát trùng thường xuyên, bạn có thể làm rối loạn pH môi trường âm đạo, khiến càng dễ bị vi khuẩn, nấm tấn công gây ra viêm nhiễm.


Bạn nên đến bác sĩ sản phụ khoa để được khám và tư vấn. Bạn yên tâm vì đa số các bác sĩ ở phòng khám phụ khoa của các trung tâm y tế là bác sĩ nữ. Bạn có thể chọn lựa bác sĩ để khám.


* Làm sao để phòng chống lây nhiễm từ chồng? Sử dụng bao cao su thay biện pháp tránh thai khác có an toàn trong việc phòng chống lây nhiễm hay không? Xin cám ơn.


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Chỉ có sử dụng bao cao su mới có thể giúp phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Sự chung thủy của người chồng là biện pháp phòng chống tốt nhất loại bệnh lý này.


* Toi dat vong chu T da duoc 5 nam nay, va toi luon cam thay an toan. Nhung toi co vai thac mac nhu sau: Bao lau toi se thay vong? Toi luon thay khong an tam khi phan am ho luon co chat dich mau trang, hoac co khi vang... dieu nay co phai la do toi da bi viem nhiem khong? Hay chi giup toi cach dieu tri tai nha? Nhung xet nghiem nao can thiet cho toi o lua tuoi nay?


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Vòng T có thể đặt được tới 12 năm (khác với những phổ biến trước đây là phải thay vòng sau 5 năm). Phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ, khoảng giữa chu kỳ kinh nguyệt có thể ra một ít dịch trắng trong (như lòng trắng trứng gà), không hôi, không gây ngứa vùng âm hộ, đó là khí hư sinh lý chứng tỏ có rụng trứng. Nếu tiết dịch âm đạo kéo dài suốt chu kỳ kinh nguyệt thì có thể là dấu hiệu của viêm âm đạo, nên đi khám chuyên khoa.


Cách điều trị tại nhà: rửa vùng âm hộ bằng nước sạch và thấm khô sau khi đi tiêu, tiểu. Phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ nên đi khám phụ khoa định kỳ (mỗi 6 tháng) để được thực hiện phết tế bào cổ tử cung nhằm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.


* Minh co 1 nguoi ban duoc bac si o benh vien Nha Trang chan doan la bi ung thu tu cung da chuyen sang giai doan can phai xa tri - thoi gian mac benh da gan 2 nam (do dieu kien kinh te kho khan trong thoi gian qua nen khong chua tri triet de). Nay muon vao TP de chua tri thi nen den benh vien nao de dieu tri? Thoi gian dieu tri khoang bao lau? Va voi benh ung thu tu cung da chuyen sang giai doan xa tri thi thi van de dieu tri co het hoan toan hay khong? Chi phi xa tri co ton nhieu tien lam khong?


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Tốt nhất là bạn của bạn nên đến Trung tâm ung bướu để điều trị. Khó có thể xác định được thời gian cần thiết để điều trị bệnh vì vấn đề này còn tùy thuộc vào mức độ di căn của bệnh và không thể điều trị khỏi hẳn được, chỉ để kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.


Xạ trị thường rất tốn kém và gây mất sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn có những chế độ miễn giảm chi phí cho bệnh nhân nghèo diện chính sách.


* Khi rửa ở phần dưới, em thấy ra nhiều chất trắng sữa, dưới dạng từng cục nhỏ và có khi em cảm thấy rát có khi không. Vậy cho em hỏi, có phải em đã bị viêm nhiễm cơ quan sinh dục rồi không ạ? Nếu vậy cách điều trị là như thế nào ạ?


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Khi có khí hư trắng đục kèm theo đau rát vùng âm hộ thì đó là dấu hiệu bị viêm âm đạo, nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa phụ sản để được điều trị đúng cách. Không nên tự ý dùng thuốc đặt âm đạo dẫn đến làm che mờ dấu hiệu lâm sàng khiến việc phát hiện và điều trị khó khăn hơn.


* Cách đây 4 tháng em có mổ nội soi u lạc nội mạc tử cung buồng trứng phải. Hiện em đang uống thuốc Orgametril ngày 2 viên (uống trong vòng 6 tháng theo chỉ định của bác sĩ). Em muốn hỏi: Với loại bệnh này có ảnh hưởng gì đến việc sinh con của em sau này hay không? Và việc quan hệ tình dục trong giai đoạn này có ảnh hưởng gì không? Em xin chân thành cảm ơn!


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Lạc nội mạc tử cung là căn bệnh rất dễ bị tái phát, ảnh hưởng đến khả năng có thai của người phụ nữ. Vì vậy, những phụ nữ bị u lạc nội mạc tử cung sau khi đã điều trị thì nên dùng các phương pháp kích thích phóng noãn để có thai ngay. Có thai cũng là một biện pháp điều trị bệnh lạc nội mạc. Quan hệ tình dục không ảnh hưởng gì đến tình trạng bệnh.


* Cháu năm nay 23 tuổi, đang làm nghề giáo viên. Gần đây cháu bị kinh nguyệt không đều, có khi 8 hay 9 tháng cháu mới có 1 lần, và cũng ra bình thường như mọi lần! Cháu lo lắng không biết mình có bị sao không? Với lại ở âm Hộ hay bị ngứa lắm ạ! Nhưng gãi thì bị chảy máu ở đầu mu và rất rát. Hay ra khí hư màu vàng, có khi vàng cả ra quần ngoài nữa ạ! Cháu cảm ơn Bác Sĩ đã tư vấn ạ!


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Trường hợp của em có thể bị buồng trứng đa nang (trứng không rụng đều), do đó sẽ khó có thai tự nhiên. Ngứa vùng âm hộ cũng có thể là triệu chứng viêm âm đạo, âm hộ. Em nên đi khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị.


* Em bị huyết trắng đã rất lâu. Huyết trắng có màu hơi vàng, dạng bột, hôi, không ngứa. Đã đi khám phụ khoa nhiều nơi nhưng kết quả xét nghiệm không thấy gì, bác sĩ có cho uống thuốc nhưng vẫn không khỏi, khi khám ở bệnh viện Hùng Vương còn được cho uống EnervonC. Bác sĩ cho em hỏi là tình trạng của em có phải là bệnh huyết trắng không và phải chữa bằng cách nào cho hết triệt để.


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Trong trường hợp này, bạn nên cấy huyết trắng làm kháng sinh đồ và điều trị theo kết quả kháng sinh đồ. Bạn cũng có thể ngưng tất cả các loại thuốc một thời gian để theo dõi, sau đó khám lại thì bác sĩ sẽ dễ chẩn đoán hơn và việc điều trị sẽ hiệu quả hơn.


* Cho cháu hỏi là cháu hay bị huyết trắng và bị đau bụng dữ dội vào những ngày hành kinh, cháu cũng có uống thuốc giảm đau thi bớt nhưng khoảng 3 tiếng sau lại đau tiếp, cháu không biết bị như vậy có sao không, uống thuốc như vậy có hại gì không và bây giờ cháu muốn đi khám tổng quát về phụ khoa thì khám ở đâu và chi phí có cao không?


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Có thể bạn bị huyết trắng sinh lý nhiều, bị thống kinh. Có nhiều nguyên nhân gây thống kinh, chẳng hạn như tư thế tử cung quá gập trước hoặc gập sau, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung... Bạn nên đi khám phụ khoa. Chi phí sẽ không cao tại các cơ sở y tế nhà nước.


* Hằng ngày, buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ em đều sủ dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ Carefree. Nhưng thời gian gần đây em cảm thấy rất ngứa và có nổi một hạt ở bên ngoài âm đạo rất ngứa. Xin bác sĩ cho em biết hiện em có mắc bệnh gì hay không và cách chữa trị? Hiện em chưa lập gia đình. Em xin cảm ơn.


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Bạn có thể đã bị viêm nhiễm âm hộ hoặc nhiễm trùng chân lông. Bạn nên đi khám và chữa trị.


* Em đọc một số bài báo nói về dấu hiệu ung thư cổ tử cung, âm đạo, buồng trứng. Hiện nay, em chưa lập gia đình, em thấy mình cũng có những dấu hiệu như: có khí hư, đã sạch kinh sau vài ngày lại thấy có máu loãng kèm theo huyết trắng. Em rất lo lắng, không biết mình có mắc một trong những bệnh đó không. Vây xin cho em hỏi, em muốn làm xét nghiệm xem mình có các bệnh kể trên không thì em đến đâu và cần làm xét nghiệm gì, em chưa lập gia đình thì có thực hiện được không.


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, giữa chu kỳ kinh có thể ra khí hư trong, loãng, đôi khi có lẫn máu loãng như bạn mô tả, thường là dấu hiệu của sự rụng trứng, do đó không cần lo lắng.


Những phụ nữ chưa hề giao hợp thì không bao giờ bị ung thư cổ tử cung (nhưng có thể bị các bệnh lý khác như khối u buồng trứng, u xơ tử cung v.v...). Đối với những phụ nữ chưa lập gia đình, bác sĩ vẫn có thể khám phụ khoa mà không làm tổn thương màng trinh.


* Toi di sieu am dau do ket qua bac si ghi: Nhan xo TC mat sau 15x16mm. Toi muon hoi benh cua toi co nguy hiem khong va dieu tri co khoi khong?


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Nhân xơ tử cung với kích thước 15x16mm là rất nhỏ, không nguy hiểm, không ảnh hưởng gì đến kinh nguyệt và sức khỏe. Bạn không cần điều trị, chỉ nên theo dõi qua siêu âm kiểm tra mỗi 6 tháng.


* Khi có kinh, ở khu vực quanh âm đạo và mông có các hạt nổi lên rất khó chịu. Xin hỏi đó là bệnh gì, cách phòng tránh? (kim oanh, 22 tuổi, Nữ, thừa thiên huế, giáo viên)


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Bạn có thể bị viêm dị ứng da do ẩm ướt gây ra bởi máu kinh có pH kiềm. Bạn nên sử dụng loại băng vệ sinh có tính thấm tốt, thay băng vệ sinh thường xuyên. Giữ cho da vùng hậu môn, âm hộ được khô ráo thì sẽ tránh được hiện tượng trên.


* Chao bac si, duoc biet thuoc ngua ung thu co tu cung co roi, toi muon chich ngua thi chich o dau, hien nay o Dong Thap co loai thuoc nay chua? Toi dat vong, bi huyet trang it, co anh huong gi khong, neu lau ngay bi huyet trang nhieu co anh huong den suc khoe khong? Co can lay vong ra khong? Xin cam on Bac si


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung thường được sử dụng cho bé gái từ 10 đến 19 tuổi và có thể cho phụ nữ trước 35 tuổi. Hiện ở Việt Nam chưa có loại vắc-xin này.


Nếu huyết trắng quá nhiều và kéo dài sau đặt vòng, bạn cần phải đi tái khám xem có bị loại viêm nhiễm nào kèm theo không. Nếu có thì nên lấy vòng ra.


* Toi 58 tuoi, da het kinh tu 50 tuoi, khi quan he rat dau don. Tu 50 tuoi den nay, moi nam 2 lan deu di kham phu khoa deu dan, lan nao BS cung ghi la viem teo am dao, viem xung huyet co tu cung, BS cho toa dat Colpotrophine, boi kem Colpotrophine, nhung quan he van dau. Toi muon hoi co phai phu nu lon tuoi deu bi nhu the, va dung Colpotrophine nhieu nhu the co hai gi khong?


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Bạn đã mãn kinh từ 8 năm nay (do tình trạng thiếu nội tiết nữ estrogen) nên bị viêm teo âm đạo, dẫn đến tình trạng bị đau khi giao hợp.


Nếu đã sử dụng Colpotrophine mà không cải thiện, bạn có thể dùng viên Ovestine đặt trong âm đạo (cách tối). Colpotrophine dùng nhiều không có tác dụng phụ. Ngoài ra, phụ nữ lớn tuổi nên dùng thêm những sản phẩm đậu nành để cải thiện tình trạng thiếu hụt estrogen.


* Hien nay toi dang co thai gan 3 thang. Xet nghiem Rubella toi thay bi duong tinh 23.3Ul/m(Rub IgG II) va am tinh 0.084 index (IgM). Toi duoc biet Rubella rat nguy hiem cho thai nhi trong 3 thang dau va 3 thang cuoi trong thoi gian mang thai. Vay xin bac si cho toi loi khuyen... ket qua xet nghiem Rubella duong tinh o tren co nguy hiem den thai nhi hay khong? Hien toi rat lo lang cho su phat trien cua thai nhi. Rat mong nhan duoc loi khuyen cua Bac si. Cam on.


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Với kết quả này, bạn đã được miễn dịch với Rubella, có nghĩa là trong quá khứ đã từng bị Rubella còn hiện tại thì không. Vì vậy, bạn không cần phải lo lắng.


* Em bị nhiễm virút HPV. Em đi khám bác sĩ và được cho thuốc đặt vào âm đạo và thuốc uống. Em xin hỏi bệnh này có bị nguy hiểm gì không? Và có bị vô sinh không? Điều trị bao lâu thì hết hẳn và có tái lại hay không?


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Virus HPV có hai loại: loại lành tính chỉ gây sùi mào gà, mụn cóc ngoài da; loại ác tính có thể gây ung thư cổ tử cung. Vì đây là bệnh nhiễm virus, do đó không có thuốc đặt hoặc uống đặc trị.


Tuy nhiên, với tình trạng miễn dịch của cơ thể, nhiều trường hợp nhiễm virus HPV có thể khỏi tự nhiên. Gần đây, tại một số nước trên thế giới đã áp dụng vắc-xin chống HPV cho những em gái vị thành niên để phòng ngừa ung thư cổ tử cung về sau.


* Em đang có thai 9 tháng sắp đến ngày sinh nhưng bộ phận sinh dục thường hay bị ngứa, ra khí hư và có màu vàng đục như màu sữa, rất ngứa bắt đầu từ hồi mang thai cho đến bây giờ. Lúc thai được 6 tháng em có đi đặt thuốc 2 lần nhưng vẫn không hết, em sắp sinh thế có ảnh hưởng đến em bé không? Hằng ngày em vẫn sử dụng rửa bằng nước vệ sinh phụ nữ chai màu xanh 5.000đ. Hỏi có bị ảnh hưởng gì không?


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Phụ nữ có thai bị khí hư và ngứa thì nhiều khả năng bị viêm âm đạo do nấm và dễ tái phát. Trường hợp của bạn, sắp sinh, nên đến khám bác sĩ sản phụ khoa để được điều trị đúng cách tình trạng viêm âm đạo. Vì nếu bị nhiễm nấm âm đạo mà không điều trị dứt, khi sinh qua qua đường âm đạo, bé có thể bị nhiễm nấm trong miệng (đẹn miệng) về sau. Để giữ vệ sinh vùng âm hộ đúng cách, bạn nên rửa bằng nước sạch và thấm khô.


* Em chưa có gia đình, không quan hệ tình dục nhưng sao bị nhiễm nấm và trichomonas, dịch tiết khí hư ra nhiều có màu vàng xanh, ngứa nổi hột ở mặt trong âm hộ, em đi soi tươi dịch tiết, BS bảo em bị nhiễm nấm. Em bắt đầu có triệu chứng vào ngày 9/9/2006. Lúc đầu soi tươi có nấm em điều trị tại cở sở y tế nhưng không giảm, sau đó em đi BS tư, BS bảo nhiễm nấm hết, nhưng dịch tiết còn và chuẩn đoán em bị nhiễm trichomonas, em tiếp tục điều trị. Bệnh này có ảnh hưởng đến sinh con sau này không, có bị vô sinh không? Em uống Fluconazole 150mg: 14viên, Metronidazol 250mg: 40 viên, Rovas 3M:10 viên, Mixylin:40 viên. Các loại thuốc này có tác dụng phụ gây hại gì không, có gây hại cho da và làm khô da không. Xin cho em biết vì sao bị nhiễm va cách phòng ngừa các bệnh phụ nữ khi em chưa có gia đình mà bị nhiễm, em rất lo lắng, vòng kinh em rất đều, giữa kỳ em có huyết trắng trong như lòng trắng, không mùi em phải băng để giữ vệ sinh, xin cho hỏi huyết trăng sinh lý có bình thường lại không? Em rất lo lắng về bệnh của mình, em mong được giải đáp.


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Viêm âm hộ do nấm có nhiều nguyên nhân, thường xảy ra ở những người độc thân, mang thai, suy giảm sức đề kháng cơ thể, sử dụng kháng sinh kéo dài, những người bị những bệnh lý mãn tính như tiểu đường hoặc do sử dụng quá nhiều hóa chất để sát trùng âm hộ, âm đạo. Nấm rất dễ bị tái phát. Nhiều khi rất khó điều trị.


Viêm âm đạo do Trichomonas là một bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau (gây vô sinh, sẩy thai, sinh non...). Bệnh này cũng có thể làm chuyển sản không tốt cho cổ tử cung về sau.


Em được điều trị bằng quá nhiều thứ thuốc. Tốt nhất, em nên ngưng điều trị. Khi nào có biểu hiện triệu chứng ngứa, huyết trắng nhiều, hôi thì nên cấy huyết trắng làm kháng sinh đồ và điều trị theo kết quả kháng sinh đồ.


* Polyp cổ tử cung là gì? Vùng bụng dưới phía bên trái của tôi khi sờ vào có một khối u, sau khi có kinh khoảng 7 ngày tôi thường bị ra huyết màu đen, đó là biệu hiện của bệnh gì? Khám ở đâu?


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Polyp cổ tử cung là một khối u ở cổ tử cung, có thể lành tính hoặc ác tính. Nếu sờ được khối u ở bụng thì có thể bạn bị u vùng chậu như u xơ tử cung, u nang buồng trứng. Khối u này khá to nên bạn mới có thể sờ được. Bạn nên đi khám phụ khoa ở các cơ sở y tế như Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương (nếu bạn ở TP.HCM).


* Tôi đã bị nhiễm nấm candida nhiều lần, chữa khỏi nhưng sau một thời gian lại bị trở lại, xin hỏi bác sĩ làm cách nào để không bị tái bệnh. Tôi thường dùng kháng sinh liều cao để điều trị bệnh về hô hấp. Chân thành cảm ơn các bác sĩ.


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Những phụ nữ bị viêm âm đạo do nấm thường bị tái phát (do trực tràng là "kho" chứa rất nhiều nấm mà trực tràng lại gần âm đạo).


Vì vậy, nên biết giữ vệ sinh đúng cách (sau khi đi tiêu, nếu lau hậu môn thì nên lau từ trước ra sau để tránh làm lây nhiễm nấm từ hậu môn sang âm đạo). Thường dùng kháng sinh cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiễm nấm.


* Bộ phận sinh dục có bao quy đầu rất nhỏ nên khi đi tiểu rất khó khăn và xung quanh da bên ngoài (ở trên đầu) rất ngứa. Vệ sinh thì thấy có một miếng như miếng vảy trắng nằm bên trong lớp da đó. Gỡ bỏ miếng vảy đó thì đỡ ngứa vài ngày rồi sau đó vẫn trở lại. Đến nay thì xung quanh lớp da bọc quanh dương vật (ở phần đầu) có càng nhiều đốm trắng và ngứa, rất ngứa, phải chà xát mới đỡ. Bao quy đầu không trật ra được. Không biết là bị bệnh gì và chữa trị ở đâu? Xin chân thành cám ơn các bác sĩ!


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Trường hợp bạn hỏi có thể là do hẹp da quy đầu. Đối với những bé trai, có thể điều trị bằng cách cắt bỏ hoặc nong rộng da quy đầu. Nếu để đến lớn, tình trạng viêm nhiễm kéo dài vùng đầu dương vật như bạn tả có thể dẫn đến ung thư dương vật. Do vậy, người bệnh nên đến các trung tâm y tế có khoa niệu hoặc khoa ngọai để được điều trị đúng cách.


* Giao hợp hậu môn (GHHM ) trong 1 thời gian dài (đã được 1 năm rồi) , khi GHHM, em không mang bao, em có dùng KY cho cô ấy bớt đau... Liệu làm như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe của em và bạn gái em không?


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Giao hợp đường hậu môn không phải là con đường tự nhiên và có nhiều nguy cơ gây viêm nhiễm đường sinh dục và đường ruột, rất ảnh hưởng đến sức khỏe của em và bạn gái. Không nên sử dụng thường xuyên.


* Tôi đã có chồng nhưng chưa sinh con. Cách đây 1 tháng tôi đi khám và phát hiện ra mình mắc bệnh sùi mào gà và nấm âm đạo. Tôi đã được điều trị bằng biện pháp đốt, uống thuốc, ngâm rửa, đặt thuốc trị nấm theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhưng hiện nay tôi vẫn rất lo lắng, xin cho tôi biết bệnh này có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe nhất là khi tôi muốn sinh con, làm thế nào chống tái phát. Đến nay thỉnh thoảng tôi vẫn thấy ngứa ở âm đạo. Nếu tôi bị tái phát thì có biện pháp nào chữa trị khác so với đốt không vì như thế rất đau. Tôi rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ. Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Sùi mào gà là một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu bạn bị bệnh này thì có thể bị kèm theo những bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như là HIV, giang mai, lậu. Bạn nên đi kiểm tra tất cả các bệnh lý này. Khi điều trị thì phải điều trị luôn cho người phối ngẫu để tránh tái nhiễm.


Nếu khỏi bệnh, bạn vẫn có thể sinh con bình thường. Ngoài điều trị bằng cách đốt, người ta có thể điều trị bằng cách thoa thuốc, tùy theo sang thương nhiều hay ít, nhỏ hay lớn.


* Xin bác sĩ cho biết: trước khi mang thai người mẹ cần phải chuẩn bị các bước khám phụ khoa như thế nào để không bị ảnh hưởng đến thai nhi sau này? Xin cám ơn.


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Trước khi mang thai, bạn nên đi khám sức khỏe tim, phổi, các bệnh lý mãn tính, nội khoa, sau đó kiểm tra phụ khoa để xem cơ quan sinh dục có bình thường không.


* Bi viem co tu cung da kham va chua tri nhung hien nay di tieu van bi gat toi muon hoi tinh trang nhu vay se kham ve tiet nieu hay phu khoa xin Bac si cho y kien.


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Bạn nên khám cả hai: tiết niệu lẫn phụ khoa.


* Khi mang thai neu bi viem am dao co tu cung, dieu tri co anh huong den thai nhi khong?


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Đã bị viêm nhiễm thì bạn nên điều trị. Bạn hãy yên tâm vì bác sĩ sẽ chọn những loại thuốc không ảnh hưởng đến em bé.


* Bị viêm CTC lộ tuyến nhiều năm, đã đốt 4 lần từ năm 2003 nhưng không hết hoàn toàn. Nay tôi muốn có con thì nên đi khám ở đâu, bác sĩ nào để chữa dứt điểm. Cần phải phòng tránh gì không và đốt nhiều có ảnh hưởng gì đến chuyện mang thai và sinh con hay không?


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Ngày nay, lộ tuyến cổ tử cung được xem là tình trạng cổ tử cung bình thường. Nếu lộ tuyến cổ tử cung mà không bị huyết trắng dầm dề thì không cần điều trị. Đối với những trường hợp chưa có con, người ta cũng hạn chế việc đốt cổ tử cung để chữa lộ tuyến, vì sẽ ảnh hưởng đến việc sinh con qua đường âm đạo về sau (vì cổ tử cung sẽ khó mở khi chuyển dạ).


* TÔI BỊ VIÊM CỔ TỬ CUNG TỪ 6 NĂM NAY, ĐÃ ĐI KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ NHƯNG KHÔNG KHỎI, TÔI RẤT LO VÌ CÓ THỂ TRỞ THÀNH UNG THƯ. TÔI MUỐN ĐƯỢC MỔ SỚM ĐỂ PHÒNG NGỪA ĐƯỢC KHÔNG? NẾU ĐƯỢC THÌ PHẢI LÀM GÌ (THỦ TỤC)? TÔI XIN CÁM ƠN BÁC SĨ.


- PGS-TS-BS Trần Thị Lợi - Chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Ngày nay, người ta đã biết ung thư cổ tử cung đại đa số là do virus HPV. Do đó, không phải trường hợp viêm cổ tử cung nào kéo dài cũng dẫn đến ung thư cổ tử cung.


Bạn chỉ nên đi khám phụ khoa mỗi 6 tháng một lần để được phát hiện sớm và điều trị các tổn thương ở cổ tử cung; không nên yêu cầu mổ để dự phòng ung thư cổ tử cung.


Hơn nữa, trước khi bệnh diễn tiến thành ung thư cổ tử cung thì đã trải qua giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung kéo dài nhiều năm tháng. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn tiền ung thư thì chỉ cần những thủ thuật cắt bỏ tổn thương ở cổ tử cung mà không cần phải cắt hết tử cung.


* Xin cho biet nhung thang chu ky ra rat it vay cho biet nhu vay co anh huong gi khong? Xin hoi em muon ra binh thuong co the giup em duoc khong?


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Điều này còn phụ thuộc vào tuổi tác, số con. Nếu chưa có con thì bạn nên đi khám phụ khoa khảo sát tử cung và buồng trứng.


* Thưa bác sĩ, làm thế nào để có sức khoẻ sinh sản tốt? Quan hệ vợ chồng trong thời gian nào của chu kỳ kinh là dễ có con?


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Để có sức khỏe sinh sản tốt, bạn cần phải giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh kinh nguyệt, sống chung thủy. Quan hệ vào giữa chu kỳ kinh là thời điểm dễ thụ thai nhất.


* Cu den chu ky kinh hang thang vao ngay thu ba thu tu thi toi bi ngua o vung am dao. Ngua du doi lam. Va den gio khong biet do vet seo toi gai nen van con ngua. Xin hoi bac si toi phai dung thuoc gi de het benh?


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Bạn nên giữ khô, sạch vùng âm đạo khi hành kinh. Khi bị ngứa thì nên đi khám phụ khoa để được điều trị vì gãi sẽ dễ bị nhiễm trùng, để lại sẹo càng dễ bị kích ứng gây ngứa.


* Chao bac si! em da tung song chung voi 1 nguoi con gai, em va ban gai em thuong xuyen quan he (nhung chi quan he ben ngoai khong dua duong vat vao trong). Vi sao ma em quan he nhu vay ma khong xuat tinh, em phai tu minh giải quyet? Nhung em phai lam that nhanh thi moi xuat tinh? Khong biet la em co bi benh gi ve co quan sinh duc hay khong? Em Xin cam on bac si nhieu.


- Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Em có thể bị rối loạn xuất tinh do nguyên nhân tâm lý. Có thể khi quan hệ bình thường, em sẽ xuất tinh dễ dàng hơn. Em không nên kéo dài tình trạng này vì có thể dẫn đến rối loạn xuất tinh bệnh lý.


Các viêm nhiễm trên cơ quan sinh dục (ngoài) nữ thường gặp nhất là ở âm đạo và cổ tử cung. Các viêm nhiễm trên các bộ phận này nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, không những gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe tổng quát mà còn có ảnh hưởng xấu đến thai nhi (nếu có bệnh trong thai kỳ) và khả năng sinh sản.


1/ Viêm âm đạo


- Ảnh hưởng: Gây khó chịu; bị trong thai kỳ có thể gây tăng nguy cơ sanh non, tăng nguy cơ nhiễm trùng hậu sản, tăng nguy cơ thai nhẹ ký.


- Biểu hiện: Có khí hư.



Trùng roi
- Nguyên nhân và đường lây truyền:


+ Do trùng roi (chiếm khoảng 5%): thường lây qua đường tình dục.


+ Do nấm (chiếm khoảng 30%): lây qua đường tình dục.


+ Do tạp trùng (chiếm 65%): do làm xáo trộn môi trường tự nhiên của âm đạo.


Trong môi trường tự nhiên của âm đạo (có độ pH = 3,8-4,8) là môi trường nuôi dưỡng vi khuẩn Lactobacilli - một loại vi khuẩn có tính bảo vệ. Khi điều kiện này bị phá vỡ, vi khuẩn Lactobacilli không sinh sống được, ngược lại tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển. Cơ chế bảo vệ tự nhiên của âm đạo có thể bị phá vỡ bởi:


+ Dùng kháng sinh (điều trị các bệnh khác),


+ Gia tăng glycogen âm đạo (do có thai, bị tiểu đường, dùng estrogen liều cao),



Vi khuẩn bảo vệ lactobacilli trong âm đạo
+ Bị suy giảm miễn dịch,


+ Vệ sinh không đúng cách (quần lót ẩm ướt, thường xuyên thụt rửa bằng dung dịch sát khuẩn...).


Viêm âm đạo là bệnh ở phụ nữ nhưng thuộc nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bệnh hay gặp nhưng dễ phòng, bằng cách: Dùng nước sạch để tắm rửa, không mặc đồ lót ẩm, không tự ý thụt rửa âm đạo bằng dung dịch xát khuẩn; khi có triệu chứng lạ cần đến cơ sở y tế khám để được chữa trị thích hợp, triệt để, tránh làm xáo trộn thêm môi trường âm đạo. Bệnh có thể gặp ở mọi phụ nữ, từ trẻ em gái đến người già, vì vậy kể cả trẻ em và phụ nữ chưa lập gia đình, khi mắc bệnh cũng không nên ngần ngại, hãy đến cơ sở y tế có chuyên khoa phụ hoặc trung tâm kế hoạch hóa gia đình để được khám và tư vấn cách chữa trị.


2/ Viêm cổ tử cung


- Biểu hiện:


+ Huyết trắng nhiều, màu vàng hoặc xanh tiết ra từ kênh cổ tử cung,


+ Cổ tử cung có thể bị lộ tuyến, phù nề, viêm đỏ, dễ chảy máu khi chạm.


- Ảnh hưởng: 10% - 20% sẽ diễn tiến thành viêm vùng chậu, làm thay đổi cấu trúc mô học của cổ tử cung tạo thành các hạt sần sùi; có thể ảnh hưởng đến thai nhi, đặc biệt là vi trùng sẽ thâm nhập vào bào thai, có thể gây sinh non hoặc nhiễm trùng sơ sinh khi bé được sinh ra.


- Phát hiện và điều trị: Chẩn đoán viêm cổ tử cung cần phải tiến hành các xét nghiệm vi trùng và các test miễn dịch cũng như phải được điều trị triệt để tại cơ sở y tế chuyên khoa.


Theo Thanhnien Online

 
Top