“Cô ơi, cháu chỉ muốn chết thôi. Mọi thứ đối với cháu giờ đây thật đen tối” - Lời đầu tiên qua điện thoại ấy của em khiến tôi hết sức ngỡ ngàng.
Tôi chưa hiểu điều gì đã xảy ra đối với em, chỉ cảm nhận được nỗi tuyệt vọng, chán chường toát lên từ hơi thở gấp gáp và ngữ điệu buồn. Sau lời đồng cảm và khích lệ của tôi, em bắt đầu kể.
Cô bé tên Hiền Anh, mới 14 tuổi.
Hiền Anh vốn là hiền lành, chăm chỉ. Em không được thông minh và nhanh nhẹn như anh trai của mình. Ngày còn nhỏ, mỗi lần bố mẹ khen anh khi anh được điểm cao, Hiền Anh không khỏi ghen tỵ nhưng em chỉ biết sẽ quyết tâm cố gắng để được bố mẹ chú ý hơn.
Nhưng dù cố gắng, em vẫn luôn luôn đứng sau anh trai. Có lúc em thấy nản và chán ghét chính bản thân, ganh ghét đố kỵ với anh. Bố mẹ lúc nào cũng “anh trai mày thế này, anh trai mày thế khác…”. Thực sự em cảm thấy tủi thân và lạc lõng giữa mọi người. Không ai thông cảm, quan tâm và yêu thương em cả.
Là con gái mới lớn, nhưng có bao giờ em được mẹ nói chuyện và tâm sự gì đâu. Bố mẹ chỉ biết đi làm từ sáng đến tối, kiếm thật nhiều tiền. Càng ngày, em càng trầm tính và trở nên lì lợm. Cũng vì thế, em bị bố mẹ mắng nhiều hơn.
Sự im lặng đã biến em dần trở thành một con người khác. Không còn vô tư, hồn nhiên như cô bé mới lớn, ở nhà, hầu như chẳng bao giờ em chủ động nói chuyện với ai. Ai hỏi gì, em đáp nấy.
Ở trường, em ít bạn. Vì những người bạn ngoan ngoãn, thông minh và sôi nổi chẳng muốn chơi với em. Nếu em có người bạn nào, thì đó đều là những đứa bạn học kém, mải chơi và đàn đúm. Lúc đầu, em cũng không thích họ chút nào nhưng dần dần em thấy rằng, chơi với họ em thoải mái hơn, vui hơn. Họ nghĩ ra nhiều trò và làm cho cuộc sống trầm lặng bấy lâu của em được khuấy động.
Hiền Anh bắt đầu có nhiều bạn. Cùng trường, cùng khối hay khác trường khác khối đều có cả. Lúc đầu chỉ gặp nhau ít thời gian sau giờ học, rủ nhau đi ăn kem hay chơi game nhưng về sau, Hiền Anh trốn đi chơi trong những buổi học thêm hoặc về quá trễ. Em bắt đầu biết nói dối khi bị bố mẹ tra hỏi. Và hễ bị mắng, em lại lì mặt ra, không giải thích gì nhiều.
Có lần một anh bạn trai học lớp 11 rủ Hiền Anh về nhà anh ta chơi. Vì vừa nhận lời yêu nhau nên Hiền Anh cũng không ngần ngại. Rồi “chuyện ấy” xảy ra. Là lần đầu tiên trong đời nên em cảm thấy rất sợ hãi xen lẫn thích thú.
Em trân trọng tình cảm này và muốn giữ mãi. Chuyện tương tự thế còn xảy ra một vài lần nữa trước khi em phát hiện ra anh bạn trai của mình đang cặp kè với một đứa con gái khác cùng chơi trong nhóm...
Giận giữ và đau khổ khi bị bạn trai “đá”, Hiền Anh tiếp tục lao vào các cuộc tình khác, ngắn ngủi, chóng vánh. Người nào cũng chỉ cần một đôi lần đi chơi là kéo được em lên giường. Với em tình cảm chẳng là gì, và quan hệ tình dục cũng chỉ là một trò vui tiêu khiển.
Trò vui dần cũng trở nên nhàm chán. Em tâm sự, có những lúc em thấy chán ghét, khinh bỉ chính bản thân mình. Mọi việc đều vô nghĩa.
Cho đến một ngày, thấy bạn bè túm tụm kháo nhau: “Con Hiền Anh thế mà ghê thật. Nó yêu nhiều lắm. Nó đã ngủ với anh Huy ở trường cấp 3, cả thằng Nam ở lớp bên cạnh. Anh Huy là bạn của anh tao mà lại…”.
Trong chốc lát, Hiền Anh cảm thấy luống cuống, bối rối và xấu hổ.
Buổi đó, em bỏ học về nhà. Rất lâu rồi, bây giờ em mới khóc. Chợt nghĩ về quãng thời gian qua mình đã sống, cơn xúc động ào đến khi em đã đánh mất sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi học trò.
Điều gây ngạc nhiên là sau bao chuyện xảy đến với em, cha mẹ em không hề hay biết. Cha mẹ lý ra trong giai đoạn này cần sát sao hơn với vai trò hướng dẫn, chỉ đường cho con cái lại tỏ ra thật thờ ơ, chỉ biết trách mắng khi lối cư xử của con không như ý mình muốn.
Nếu bố mẹ, gia đình và nhà trường không có sự quan tâm, quản lý con em mình chặt chẽ, không có cách giáo dục lành mạnh để giúp các em nhận thức đầy đủ và đúng đắn về những thay đổi của bản thân, những quan điểm về tình bạn, tình yêu, những đòi hỏi về nhu cầu sinh lý, thì việc các em có lối sống và hành vi lệch lạc cũng là điều dễ hiểu.
Tâm lý tuổi mới lớn thích tò mò, tìm hiểu về thế giới và chuyện sinh lý. Thiếu nhận thức hay nhận thức sai lệch về tình yêu, về quan hệ tình dục cộng thêm những đòi hỏi bản năng dễ đưa các em tới hành động sai lầm.
Dẫu sao, đây cũng là bài học cho các bậc phụ huynh và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục con em và học sinh của mình, để các em được phát triển đầy đủ trong một môi trường lành mạnh, một lối sống đẹp.