Môi mỏng manh?
Da môi thường không có nhiều dầu và phần da bảo vệ bên ngoài rất mỏng. Nghĩa là môi mất chất giữ ẩm nhanh hơn những phần khác của cơ thể, vì vậy mà dễ bị khô, nứt nẻ hay nhiễm trùng. Điều quan trọng nhất là môi gần như không có chất melanin - chất làm sẫm màu tự nhiên có thể ngăn ngừa tia cực tím.
Do đó phơi môi ngoài nắng quá lâu có thể bị cháy nắng phần này, bị tàn nhang và có thể dẫn đến ung thư da. Hút thuốc, uống nhiều rượu bia hay môi trường khô hạn có thể làm tệ hơn tình trạng mất nước của môi.
Vừa bé nhỏ, vừa thiếu các chức năng tự bảo vệ nhưng môi lại phải hoạt động nhiều hơn. Ít phần cơ thể nào phải làm nhiều nhiệm vụ như vừa co giãn, tạo dáng khi bạn cười, huýt sáo, làm duyên. Thế nên quá trình lão hoá ở môi khá khắc nghiệt, collagen được sản xuất chậm và tính đàn hồi giảm dần.
Dấu hiệu đầu tiên của việc lão hoá là son môi không ăn, do việc môi mất nhiều lượng mỡ, kéo theo việc môi mất dần đường viền. Môi không đầy đặn nữa là do làn da xung quanh khoé dồn lại phía trên và dưới, tạo ra những nếp nhăn li ti quanh môi, làm son môi dễ bị nhoè.
Chăm sóc môi
Mặc dù những tình trạng thường gặp của môi có thể được trị bởi những liệu pháp như bơm collagen, dùng kem, dùng tia laser, nhưng phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Dùng son dưỡng môi mỗi ngày để giữ môi ẩm, ngay cả dùng lót dưới son môi.
Chọn loại son dưỡng môi có chất giữ ẩm cao. Tránh dùng sản phẩm có chứa mùi vị, nước hoa, nhũ vì chúng chứa những hoá chất không cần thiết. Son bóng không đủ vì chúng chứa dầu thực vật, mỡ, không đủ để trị việc môi mất nước.
Khí hậu nóng của Việt Nam làm tình trạng môi khô và nứt nẻ khá phổ biến, ánh mặt trời là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến môi. Dùng sản phẩm có SPF 15 để tránh cháy nắng môi. Nhưng nhớ kiểm tra với bác sĩ các thành phần hoá chất trong sản phẩm.
Đã từng có bệnh nhân có vảy ngứa hay sưng môi khi bị dị ứng với mỡ lông cừu lanoline, một thành phần khá phổ biến ở son dưỡng môi. Cũng như parapen, một chất bảo quản trong mỹ phẩm. Đôi khi tình trạng này xảy ra do da có vấn đề nghiêm trọng.