Ảnh: jupiterimages.com
Nhiều người rỉ tai nhau, nếu dùng đậu phụ hàng ngày, quý ông sẽ rụng râu, mất ham muốn và biến thành...quý bà. Điều này có đúng không?

25g liều nguy hiểm


Dược sĩ Phan Đức Bình, Phó tổng biên tập tạp chí Thuốc và Sức khỏe cho biết, những khám phá mới đây trong đậu nành có chứa các chất nội tiết tố thực vật (phytoestrogen) như Daidzein và Genistin thuộc nhóm Isoflavon, có tác dụng dược lý như kích thích nội tiết tố nữ estrogen. Hàm lượng phyestrogen trong đậu nành khoảng 2% - 5%.


Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phytroestrogen không tạo ra các phản ứng phụ như nội tiết tố tổng hợp. Nhưng đối với nam giới nó có tác dụng nữ hóa, như rụng râu, mất ham muốn tình dục, yếu sinh lý. Đối với trẻ con nếu ăn nhiều và ăn thường xuyên đậu nành và chế phẩm (tàu hủ, sữa đậu nành) sẽ gây dậy thì sớm, lùn và trong giai đoạn phát triển, có thể gây biến đổi các yếu tố giới tính gây nữ hóa bé trai. Liều lượng gây tác dụng nữ hóa này tương đương với 25g đậu mỗi ngày và dùng thường xuyên.


Một nghiên cứu khoa học của các trường Y tế công cộng Jonhs Hopkins Blooberg (Bang Maryland, Mỹ) tiến hành thử nghiệm trên những con chuột mang bầu được dùng chế độ ăn chứa nhiều genistein (có trong đậu nành) cho thấy sự biến đổi rõ rệt ở các cơ quan sinh dục của chuột đực con: tuyến tiền liệt to ra, trong khi tinh hoàn nhỏ lại, tuy số lượng tinh trùng vẫn bình thường nhưng khả năng xuất tinh bị mất. Vì vậy, nhóm nghiên cứu khuyến cáo, phụ nữ có thai nên hạn chế ăn đậu nành.


Có nên ăn đậu nành?


TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành là một sản phẩm rất bổ dưỡng. Nghiên cứu cho thấy, hạt đậu nành chứa 8% nước, 5% chất vô cơ, 15-25% chất glucose, 15-20% chất béo, 35-40% chất protein với đủ các loại axit amin cần thiết, các loại sinh tố khoáng chất. So với thịt động vật, đậu nành có nhiều chất dinh dưỡng hơn: 100g đậu nành có 411 calo, 34g protein, 18gr béo, 165mg canxi, 2.7mg sắt, trong khi đó thịt bò loại ngon chỉ có 165 calo, 21g protein, 9g béo, 10mg canxi, 2,7mg sắt.


Đậu nành và chế phẩm lại rất tốt cho phụ nữ nhất là từ 45 tuổi trở đi, sau mãn kinh vì phytroestogen giúp phụ nữ giữ mãi nữ tính và tuổi thanh xuân. Các isoflavon cũng được chứng minh là giúp cho phụ nữ chống lại hiện tượng mãn kinh, phòng chống ung thư, bệnh tim, rối loạn kinh nguyệt.


BSCKII Đào Xuân Dũng, chuyên nghiên cứu về nam học cho biết, những ý kiến về khả năng nữ hóa do ăn đậu nành vẫn chưa được đông đảo giới khoa học thế giới công nhận. Theo TS Petra Utrecht (Hà Lan), nỗi lo sợ về thành phần ostrogen thực vật không gây hại cho người sử dụng. Các cơ quan quản lý thuốc, Cục Thuốc và Thực Phẩm (FDA) của Mỹ và tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng không hề có khuyến cáo nào về việc nam giới sử dụng sữa đậu nành.


Theo TS Nguyễn Thị Lâm, tuy trong đậu nành có chất Daidzen và Genistinkich kích thích nội tiết tố nữ estrogen nhưng đây là dạng hormon thực vật, yếu hơn 500 lần so với tiết tố của động vật. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng đậu nành đã được nấu chín. Bởi trong hạt đậu nành sống, có chất soyin (albunmin độc tính)..., có thể gây bướu cổ tổn thương gan, kiềm chế cơ thể phát triển. Các độc tố này rất dễ phá hủy nếu bị xử lý bằng nhiệt.


 
Top