Chị Làng bán rau ở chợ Trung Hoà - Nhân Chính đã 10 năm nay. Theo quan sát của chị, khách hàng là nam giới ngày càng nhiều. Họ mua rất giỏi, biết lựa chọn, biết mặc cả và thao tác mua hay trả tiền đều rất nhanh.
Sáng chủ nhật, chúng tôi có dịp chứng kiến vài anh “thể hiện” tài năng, ở chợ Trung Hòa (nơi chủ yếu phụ vụ các trung cư trung - cao cấp gần đó).

Tôi làm quen với một người đàn ông đang ngồi trên xe máy (mua thịt) với thắc mắc: “Anh có hay đi chợ không?”. Anh này “ngượng”, không cho biết tên: “Thi thoảng thôi. Hôm nay vợ tôi dậy muộn hơn vì hôm qua là ngày kỷ niệm 10 năm ngày cưới nên tôi đi chợ để làm bữa trưa cho cả nhà”.

Cô bán hàng quay ra, nháy tôi: “Anh ấy ngày nào cũng đi chợ đấy. Đàn ông nhưng còn mua thạo hơn nhiều phụ nữ”.

Tôi thấy một người đàn ông khác, vừa mua hàng, vừa cầm một mảnh giấy. Anh tự giới thiệu là Nguyễn Trọng Nam (Trung Hòa), sáng dậy vợ nhờ đi chợ và đưa cho danh sách này để làm món lẩu cá nên vừa mua, vừa kiểm tra lại để không bị sót.

Anh Nam tâm sự: “Thường thì tôi cũng đi chợ theo sự “chỉ định” của vợ, khi nhà thiếu thức ăn gì đó. Đàn ông con trai chỉ cần vù xe máy ra mua đúng thứ vợ cần mang về. Hôm nay lần đầu tiên đi chợ làm lẩu theo sự chỉ dẫn của vợ, tuy không tự tin lắm nhưng cũng thấy rất thú vị”.

Anh Đỗ Đức Quân (Lê Văn Lương) là người đi chợ thường xuyên thay vợ. Vợ anh bán hàng, anh chở hàng giúp vợ, thời gian còn lại là đi chợ, đưa đón con đi học. Sáng chủ nhật - hôm nay, sau khi chở hàng ra cho vợ bán, anh đi chợ cùng cô con gái nhỏ. Anh nói, một ngày đi chợ hai lần để mua được thức ăn tươi. “Tôi chỉ mua những hàng quen của mình. Nhiều khi đi chợ quên tiền hoặc có lúc thiếu tiền thì mọi người đều cho tôi nợ” -anh Quân cho biết.


Đàn ông đi chợ, nấu ăn là văn minh


Khu Trung Hoà Nhân Chính là nơi tập trung nhiều người nước ngoài làm việc và sinh sống. Hình ảnh những người đàn ông Trung Quốc, Hàn Quốc hay những người đàn ông Phương Tây tóc vàng mũi lõ đi chợ là chuyện thường ngày ở đây.

Cô Nhàn (bán thịt gà) bảo: “Đàn ông Tây (đàn ông nước ngoài nói chung) đi chợ giỏi lắm. Mặc cả đâu ra đấy. Mọi người ở chợ này quen rồi nên không hét giá trên trời mà nói vừa phải như bán cho người Việt Nam”.

Anh Bùi Xuân Thi (Khu tập thể Đại học Bách Khoa) là người có thời gian học tập ở Nga. Những năm tháng sinh viên anh phải tự nấu nướng nên nấu rất giỏi, biết làm nhiều món ngon, cầu kỳ. Khi về nước, lấy vợ sinh con thì anh không phải thường xuyên đi chợ nhưng mỗi khi gia đình có sự kiện gì (như sinh nhật vợ, đầy tháng con...) thì anh là người kiêm đi chợ lẫn thể hiện các món ăn.

Bạn bè chị Oanh - vợ anh - khen nức nở khi được thưởng thức những món mà anh làm. Chị Oanh chia sẻ: “Anh ấy văn minh lắm, không bao giờ quan niệm bếp núc, đi chợ là chuyện của đàn bà. Anh ấy chia sẻ cùng tôi tất cả mọi chuyện. Nhiều món tôi phải học anh ấy mới nấu được đấy. Tôi thấy mình thật may mắn vì có người chồng như anh ấy”.

Là một người nấu nướng rất giỏi, anh Nguyên Minh (Ba Đình) là người thường xuyên đi chợ giúp vợ. Anh nói “Tôi không coi đó là việc nặng nhọc. Mình nấu ngon hơn vợ thì tại sao mình không nấu cho vợ con mình thưởng thức. Mình biết chọn lựa thức ăn thì tại sao mình không đi chợ. Tôi thấy không nên câu nệ. Ai làm giỏi hơn và thấy đó là thú vui thì nên làm. Các ông không nên nghĩ đi chợ là chuyện của các bà vợ mà nên chia sẻ cùng nhau, như vậy cuộc sống mới hạnh phúc”.



Theo Gia Đình & Xã Hội
 
Top