Trong thời "bão giá" hiện nay, các bà nội trợ thường phải e dè trong chi tiêu. Vài mẹo vặt sau có thể giúp bạn mua sắm một cách khôn ngoan hơn, tiết kiệm hơn.


Khi đi chợ

Làm bài tập nhỏ ở nhà trước khi đi chợ: Nên liệt kê ra các món đồ khô, đồ hộp, rau cải... mà bạn đã có sẵn ở nhà và lên lịch các món muốn ăn trong tuần để định ra số lượng thịt cá, rau cải hoặc đồ khô đồ hộp mà bạn cần có, viết thành một danh sách rõ ràng và thứ tự. Như vậy bạn sẽ tránh được sự phung phí khi mua nhiều thứ không cần thiết hoặc mua thiếu các thứ cần dùng, bạn sẽ tốn thêm công sức, thời gian, và cả tiền xăng để quay lại chợ hay siêu thị mua thêm.

Lựa chọn nơi mua: Những chợ nhỏ gần nhà có lẽ tiện đường cho các món cần gấp, nhưng nếu bạn có “điều tra” so sánh giá cả hay theo dõi các chương trình giảm giá đặc biệt của siêu thị, bạn cũng sẽ tiết kiệm khá nhiều nếu mua được các mặt hàng giảm giá với số lượng lớn. Tuy nhiên, bạn cần tỉnh táo trước khi thu gom các món đại hạ giá, bởi nếu chỉ ham rẻ mà mua mặc dù không cần hoặc cần rất ít thì sau này bạn sẽ lãng phí nhiều hơn vì rốt cuộc phải quăng bỏ do hàng quá hạn mà mình vẫn chưa dùng tới.


Nên ăn trước khi đi chợ: Nghe có vẻ buồn cười nhưng thật sự điều này sẽ giúp cho bạn tránh mua các món không cần thiết, nhất là các món ăn vặt như bánh, kẹo... Thông thường khi đói, người ta thường có khuynh hướng mua đồ ăn vô tội vạ và mua nhiều hơn mức cần thiết. Vì vậy, nếu bạn đi chợ khi bụng no thì bạn có thể điều khiển mình hơn.


Dành thời gian nhiều hơn cho việc đi chợ: Tránh gấp gáp vì như vậy bạn sẽ phải hấp tấp mua vội vàng các thứ bạn thấy trước tiên. Nếu thong thả hơn, bạn sẽ dạo vòng quanh các hàng và so sánh giá cả từng món sao cho hợp với ngân quỹ hôm đó của mình.


Khi shopping ở siêu thị
Bạn nên nắm vững các “chiêu” sau đây:

So sánh giá của các mặt hàng: Bạn nên học cách xem giá trị của từng đơn vị món hàng thay vì chỉ chăm chăm xem giá cả từng món. Ví dụ một hộp bánh 1 kg giá 40 ngàn đồng vẫn rẻ hơn một hộp bánh cùng loại, tuy chỉ có 30 ngàn đồng nhưng chỉ có nửa kg. Thường các siêu thị in lớn bảng giá món hàng, nhưng bạn cũng nên để mắt đến giá trị đơn vị của món hàng được in nhỏ kế bên và tính xem mua thế nào thì có lợi hơn cho mình. Do chi phí của việc bao bì, nên các món hàng bán với số lượng lớn sẽ có giá rẻ hơn món đóng gói nhỏ.


Biết cách tiếp thị của siêu thị: Thường các siêu thị sẽ ưu tiên trưng bày những món hàng bán giá cao ở vị trí rất thuận tiện ngay giữa kệ, thuận tay người đi mua. Bạn nên chịu khó nhón gót nhìn lên trên cao hay cúi xuống nhìn các kệ ở dưới thấp, bạn sẽ tìm được món tương tự với giá cả phải chăng. Cùng một mặt hàng nhưng có nhiều thương hiệu khác nhau, bạn cũng nên thử các thương hiệu khác ít nổi tiếng hơn xem có hợp khẩu vị không. Các thương hiệu nổi tiếng thường do chi trả nhiều quảng cáo nên giá thành cao hơn nhưng đôi khi chất lượng cũng không hẳn là tốt hơn các thương hiệu khác.


Chú ý khi trả tiền: Bạn nên nhìn các nhân viên tính tiền để biết chắc họ không tính hai lần cho một món hàng, hoặc bạn có thể kiểm tra lại giá cả món hàng khi tính có đúng không để kịp thời báo cáo với nhân viên siêu thị. Nhớ kiểm tra lại phiếu tính tiền vì có khi bạn sẽ bị bất ngờ khi thấy hộp nước trái cây 20 ngàn lại bị tính nhầm đến 200 ngàn vì sơ sót của nhân viên.
 
Top