Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí "Nghiên cứu phòng ngừa ung thư" cho biết chất sulforaphane trong mầm cải xanh có thể sẽ giúp ngăn ngừa bệnh viêm loét dạ dày và thậm chí cả bệnh ung thư dạ dày.
Các nhà khoa học thuộc Đại học John Hopkins (Mỹ) tiến hành nghiên cứu đối với 50 bệnh nhân cùng bị nhiễm Helicobacter pylori - loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày, tá tràng và ung thư dạ dày. Những bệnh nhân này được chia làm hai nhóm. Nhóm một được yêu cầu ăn 70g mầm cải xanh mỗi ngày trong vòng hai tháng và nhóm còn lại ăn một lượng tương đương cây linh lăng không chứa sulforaphane.
Kết quả cho thấy các thành viên nhóm một đã có biến chuyển bệnh rõ rệt, đặc biệt trong ngăn ngừa những triệu chứng liên quan đến dạ dày.
Các nhà nghiên cứu giải thích sự khác biệt chính là do chất sulforaphane trong mầm cải xanh đã phát huy tác dụng. Đây là một chất hóa sinh tự nhiên giúp kích hoạt quá trình sản xuất các enzyme trong đường ruột giúp kháng lại các triệu chứng viêm loét, các gốc oxygen và các chất làm tổn hại các ADN.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định khuẩn Helicobacter pylori là tác nhân gây ung thư và cho biết có khoảng 3 tỷ người (chiếm gần một nửa dân số thế giới) bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn này.