Những chú cá đang dọn dẹp sạch sẽ những vùng da chết trên cơ thể. (Ảnh: Sức khỏe & Đời sống) |
Ong châm cứu
Nọc ong có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh như thấp khớp, viêm khớp dạng thấp, huyết áp cao, hen phế quản, suy nhược thần kinh... có kết quả tốt. Ngoài cách dùng các sản phẩm của ong, một số thầy thuốc còn dùng trực tiếp ong chữa bệnh (apicotherapie) như cho ong châm một số huyệt trên người. Mỗi lần ong đốt nọc tiết ra trung bình 0,3 – 0,4mg.
Tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý vì nọc này có thể gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là các phản ứng và hội chứng dị ứng, nghiêm trọng nhất là sốc phản vệ với tỷ lệ tử vong rất cao.
Nhện gây cương
Ở Brazil có loài nhện tên là Phoneutrianigriventer, nọc độc nhẹ không gây chết người, nhưng qua nghiên cứu, các nhà y học Mỹ và Brazil phát hiện một điều thú vị, đó là các nạn nhân bị loài nhện này châm chích, đặc biệt là các quý ông cảm thấy “của quý” xuất hiện những cơn cương cứng liên tục, kéo dài.
Có nhận xét, nọc nhện này hấp dẫn hơn viagra (thuốc chữa nhược dương) vì thuốc không làm hài lòng khoảng 1/3 nam giới, còn nọc nhện gần giống như một thuốc cương dương tráng kiện. Qua theo dõi người ta thấy nó làm tăng đáng kể áp suất máu trong dương vật.
Bọ cạp chữa run tay
Nọc bọ cạp là hỗn hợp protein có hoạt tính sinh học cao, ở liều lượng ít sẽ kích thích thần kinh, tăng cường hoạt động tim mạch, liều lượng cao có thể gây tử vong hoặc liệt cơ quan.
Dùng liều hợp lý có tác dụng chữa các chứng rối loạn thần kinh, tay chân run rẩy ở người già. Bọ cạp qua chế biến (rang hoặc rán trên 85oC) hoặc ngâm trong rượu cồn thì không gây độc và được coi là món ăn khoái khẩu vì mang lại sức khỏe như Hercules. Nhiều nơi còn bán bọ cạp sống dùng để ngâm rượu, chữa các bệnh đau nhức xương khớp.
Đỉa gây tê
Được ứng dụng trong y khoa từ thiên kỷ II trước Công nguyên. Trong số 800 loài đỉa còn lại hiện nay thì loài Hirudo medicinales được coi là trợ thủ đắc lực trong một số lĩnh vực của y khoa. Loài này dài khoảng 7 – 9cm, thân hình màu xanh phớt và các sọc dọc màu đỏ và đen, với một giác hút ở mỗi đầu. Đỉa hút máu nhờ 3 hàm quanh miệng của nó. Ở thế kỷ 21, loài này vẫn được y học hiện đại sử dụng. Liệu pháp đỉa (Leech therapy) được áp dụng để:
- Gây tê quanh vết thương (do hoạt chất có trong nước bọt của đỉa).
- Làm gia tăng lượng máu lưu thông, ngăn ngừa tình trạng đông máu.
- Làm giảm đau: Qua thử nghiệm, so sánh đổi chứng với một số người bị viêm khớp gối, các chuyên gia nhận thấy, những người được cho đỉa bám vào đầu gối đau, thời gian khoảng 1 giờ thì sau 3 ngày đã thấy giảm đau, hiệu quả kéo dài 4 tuần lễ, không có phản ứng phụ hay viêm nhiễm, còn nhóm áp dụng liệu pháp thông thường không đạt hiệu quả trên.
- Trong phẫu thuật thẩm mỹ, đỉa rất có hiệu quả trong việc nối lại các phần có thể bị tách rời do tai nạn hay một nguyên nhân nào khác, như ghép ngón tay (chân) bàn tay (chân), tai, mũi, núm vú... Đặc biệt có ích khi dùng đỉa nối các tĩnh mạch vì nó quá nhỏ hoặc do máu đông làm nghẽn mạch (nhờ chất hirudin có trong nước bọt đỉa, tác dụng chống đông máu).
Kiến đen khâu vết thương
Trong một y văn cổ, cách đây 2000 năm, có ghi lại việc dùng kiến đen trong phẫu thuật. Hiện nay tại Nam Mỹ, loài kiến đen khổng lồ Eciton brucelli rất được ưa dùng trong việc khâu các vết thương ở bụng.
Dòi chữa hoại tử
Đàn dòi, từ loài nhặng xanh có tên khoa học là Lucilia sericata được dùng trong y khoa, để loại bỏ các bộ phận của cơ thể người khi bị hoại tử. Nó chui rúc trong vết thương, làm sạch bong mọi tế bào đã chết.
Dòi tiết ra hợp chất làm giảm độ axit, làm thay đổi môi trường sống của vi khuẩn và dịch tiêu hóa của dòi có tính năng khử khuẩn đặc biệt nên đạt hiệu quả cao hơn kháng sinh. Chúng tác động cả với các loại khuẩn đã kháng lại kháng sinh.
Để ngăn dòi không phát triển thành nhặng, cứ sau 3 ngày bác sĩ lại thay đàn dòi mới. Dòi đã giúp cho ngành phẫu thuật sinh học hồi sinh. Hiện nay, một số nơi đã hoàn thiện thành công phương pháp nuôi cấy dòi tiệt trùng nên đã loại bỏ được khả năng gây nhiễm bệnh. Dòi liệu pháp đã được ứng dụng ở Anh, Mỹ, Israel, đặc biệt được ưa chuộng ở Đức.
Theo Sức khỏe và Đời sống