Viêm kết mạc là bệnh thường gặp ở mắt. Bệnh có nhiều thể, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nhìn chung, bệnh thường nhẹ, không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người bệnh.

1. Viêm kết mạc mùa xuân

Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, thường gặp ở người trẻ, độ tuổi trước dậy thì; nam bị nhiều hơn nữ. Đến tuổi dậy thì, bệnh không thấy xuất hiện nữa, nhưng vẫn có tới 20% trường hợp tiếp tục bị bệnh này. Nguyên nhân gây bệnh có thể do cơ địa quá mẫn cảm với các tác nhân gây dị ứng hoặc do di truyền (người thân trong gia đình có cơ địa dị ứng).

Khi bị bệnh, người bệnh cảm thấy ngứa mắt, dụi mắt thì thấy dễ chịu. Khám mắt, các bác sĩ thường thấy ở diện kết mạc sụn mu (mặt trong mi mắt) có nhiều hột.

2. Viêm kết mạc dị ứng

Đây là bệnh thường xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng (hay bị mẫn ngứa, mề đay, hen suyễn, viêm mũi dị ứng,…). Bệnh thường gây ngứa, đỏ mắt, tuy nhiên mắt không có gì. Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ. Bệnh không nguy hiểm, có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

3. Viêm kết mạc do virus

Bệnh này dân gian vẫn gọi là bệnh đau mắt dịch. Bệnh thường xuất hiện vào mùa nóng, khoảng từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Bệnh thường khởi phát đột ngột, gây đau mắt đỏ, nổi hạch ở cằm, tai, người bệnh cảm thấy mệt, có thể sốt nhẹ. Triệu chứng ở mắt là hai mí dính chặt, không mở được mắt, gỉ nhiều, xuất hiện nhiều hột viêm ở lòng trắng. Đây cũng là bệnh lành tính, một số trường hợp có thể tự khỏi và không gây biến chứng. Điều trị bệnh chỉ cần dùng nước muối sinh lý và kháng sinh thông thường như clo-rô-xít. Tuy nhiên, vẫn có 20% bệnh nhân có biến chứng vào lòng đen (tức giác mạc) gây viêm, loét giác mạc. Phần lớn các trường hợp biến chứng là do người bệnh dùng thuốc không đúng theo chỉ định của bác sĩ.

4. Viêm kết mạc do vi khuẩn

Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh có mẹ bị bệnh lậu. Cơ chế lây nhiễm là qua đường âm đạo của mẹ. Trẻ bị bệnh này mắt thương sưng đỏ như quả nhót, chảy mủ vàng liên tục, nếu không điều trị có thể bị loét thủng giác mạc, dẫn đến mù lòa. Để điều trị bệnh này, cần dùng các loại kháng sinh đặc hiệu chống vi khuẩn lậu.

5. Viêm kết mạc do chlamydia

Bệnh thường gặp ở người đi bơi, nhưng cũng có thể gặp ở thiếu nữ có vi khuẩn chlamydia ở âm đạo. Biểu hiện bệnh là có hột trong mắt, gây cộm mắt, đau mắt đỏ. Bệnh thường kéo dài khoảng 1 tháng, có khi tới 2-3 tháng, không thể điều trị dứt điểm bằng kháng sinh thông thường mà thường phải kết hợp với các loại thuốc đặc trị.

KHI MẮT GẶP SỰ CỐ HOẶC DẤU HIỆU BẤT THƯỜNG

Đi khám ngay nếu bị đỏ mắt, đau nhức, nhìn mờ, có những dấu hiệu bất thường về hình ảnh (hiện tượng ruồi bay, nhìn đường thẳng bị đứt đoạn…) vì đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm như: đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm…

Khi bị bất cứ vật gì hoặc côn trùng rơi hay bắn vào mắt, không nên cố tự lấy ra mà phải đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt. Trước khi đến bác sĩ có thể rửa mắt bằng nước muối sinh lý để sát trùng.

 
Top