Mấy dòng tự bạch ấy, đối với tôi, thật đáng nể, bởi tôi mù tịt nhạc cổ điển và cả đời chưa bao giờ rờ đến một nhạc cụ nào. Song, ít ra, chúng tôi cũng có những điểm chung là nhạc Trịnh, nhạc đỏ và sách.
Chỉ là thế giới ảo nên tôi tha hồ kể lể mà không xấu hổ. Chàng rất biết cách an ủi. Những câu thăm hỏi, những chuyện hài hước, những lời động viên… hiến tôi cứ tủm tỉm cười trước màn hình. Nhờ thế, nỗi đau tình phụ của tôi dần tan biến.
Rồi chúng tôi gửi cho nhau những e-mail dài với đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Chàng viết là rất thích đọc thư của tôi. Chàng có thể bớt thời gian nghỉ ngơi, có thể “cancel” một cuộc hẹn với bạn bè, nhưng không thể chậm trễ trả lời mail cho tôi. Hình như tôi đã chiếm một khoảng lớn trong tâm trí của chàng.
Ngược lại, tôi cũng nhận ra mình đang bị chàng, một kẻ lạ hoắc trên mạng mê hoặc. Sau giờ làm việc, về đến nhà, tôi cố gắng hoàn tất mọi việc cần thiết một cách nhanh chóng để ngồi vào máy tính. Tôi trở lại cảm giác háo hức mỗi khi vào YM, hồi hộp chờ đợi khoảnh khắc mở mailbox và có cả chút rạo rực khi đọc những lời yêu thương của chàng...
Tuy chàng tự nhận xét mình xấu xí, lùn một mẩu, mặt đầy cơm cháy, còn tôi thua Thị Nở về nhan sắc... nhưng điều đó không quan trọng. Chúng tôi quyết định gặp nhau. Địa điểm là một quán cà phê bên bờ sông.
Thật bất ngờ khi chàng xuất hiện: cao lớn, đẹp trai, nụ cười mê hồn! Chàng cũng tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi “không đến nỗi nào” (lời chàng). Chúng tôi cùng cười xòa: Thế giới ảo mà! Tuy vậy, chàng trẻ hơn tôi gần năm tuổi. Chỉ là bạn thôi! Tôi tự an ủi.
Chàng vào đời sớm nên khá già dặn. Bên tôi, chàng tỏ ra chững chạc trong cách xử sự, tinh tế trong từng lời nói, chu đáo trong mỗi cử chỉ... Tôi cảm thấy mình được nâng niu, che chở, đến nỗi quên mất mình đang cặp kè với một “phi công trẻ”.
Rồi chàng ngỏ lời. Chàng nói chàng yêu tôi vì sự chín chắn, điềm đạm, vì tâm hồn lãng mạn tinh tế, vì sự thông minh hài hước... Trước tôi, chàng quen không ít cô gái trẻ. Tính cách chung của họ là hay đòi hỏi và khó chiều, động một tí là nhõng nhẽo và hờn dỗi. Sở thích chung của họ là đi chơi và mua sắm... Kiến thức chung của họ là cuộc đời riêng và những scandal của các ca sĩ hay thần tượng... Tôi rất khác những cô gái ấy. Chàng hy vọng tôi sẽ đồng ý. Tôi đã không thể từ chối ánh mắt say đắm của chàng khi đó.
Song, “giông tố” xuất hiện ngay khi chúng tôi công khai mối quan hệ. Đầu tiên là sự phản đối quyết liệt của hai gia đình. Ba mẹ tôi đưa ra nhiều lý lẽ, đại loại như, nếu lấy chồng trẻ, tôi phải gồng mình lên để giữ chồng (không sai! Mỗi khi chúng tôi ra đường, nhiều ánh mắt của các cô gái chiếu vào chàng. Không ít cô còn bạo dạn tán tỉnh, cứ như tôi là kẻ vô hình. Điều đó khiến tôi lo lắng và đôi khi khó chịu, trong khi chàng thản nhiên như không thèm để ý vì đã quen như thế).
Tiếp đó, phụ nữ mau già. Vài năm nữa, khi tôi xuống sắc, liệu chàng có đủ bản lĩnh và tình yêu để chống lại những cám dỗ của “kẻ thứ ba” nào đó? Và, còn nhiều lý do khác nữa để ngăn tôi không nên mạo hiểm.
Gia đình chàng cũng cương quyết không chấp nhận. Mẹ chàng đến tận nhà, nài nỉ van xin tôi hãy buông tha cho con trai bà. Bà sẵn sàng làm bất cứ điều gì tôi muốn, thậm chí có thể trả cho tôi một số tiền lớn, miễn sao tôi chấm dứt mối quan hệ “chị em” này.
Một điều khiến tôi phải suy nghĩ là thái độ của những người xung quanh. Trước đây, bạn bè đều cho rằng, tình yêu của chúng tôi chỉ là ảo, sớm nở tối tàn. Vì vậy, khi biết hai đứa quyết định “nghiêm túc”, mọi người bắt đầu bàn tán. Chàng thường xuyên phải nghe những câu hỏi: “Trông cậu có đến nỗi nào mà phải chịu “lái máy bay bà già?”, hay: “Hết con gái trẻ rồi sao mà phải quơ bà chị già ngắc?”... Tôi cũng không thoát khỏi những lời chế giễu: “Này! Làm cách nào đằng ấy cưa được “phi công trẻ” thế?”, hay: “Hai chị em định bao giờ tổ chức?”. Có lần, đám bạn của chàng bô bô khi tôi vừa quay lưng: “Lần sau đi chơi với chúng tớ, đừng có vác theo bà già ấy nhé! Trông chẳng hợp tông tẹo nào!”.
Thời gian đầu, chàng và tôi phớt lờ thái độ của mọi người, cố gắng tỏ ra thản nhiên. Nhưng dần dần, chúng tôi ngại đến nhà bạn bè, ngại xuất hiện cùng nhau trước đám đông. “Mình tránh đi là hơn!”, chàng giải thích. Hơn thế, giờ đây, mỗi khi gặp nhau, chúng tôi không còn vui vẻ “tám” đủ thứ chuyện như trước, mà chỉ lo nghĩ cách đối phó với gia đình và chống đỡ dư luận.
Tuy tôi và chàng cũng được không ít “máy bay bà già” hay “phi công trẻ” động viên, khích lệ bằng cuộc sống hạnh phúc của chính họ. Và dù chàng luôn động viên “không bao giờ được bỏ cuộc!”... nhưng tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và cứ băn khoăn với câu hỏi: “Nên hay không nên tiếp tục làm “máy bay bà già” với rất nhiều nguy cơ phía trước?”.
Theo Duy Thảo
TPO