Hiện tượng có thai ngoài tử cung (TNTC) đang tăng mạnh trong những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân như tình trạng nạo phá thai bừa bãi, thuốc lá và viêm nhiễm vòi trứng do các bệnh lây lan qua đường tình dục...
TNTC là gì?

TNTC là hiện tượng trứng thụ tinh, làm tổ và phát triển ở vị trí ngoài buồng tử cung. Vị trí thông thường của TNTC là ở vòi trứng (90%), ngoài ra thai còn có thể nằm ở một số vị trí khác như: ở buồng trứng (1%), cổ tử cung (0,5%) hoặc trong ổ bụng mẹ… Trong đó, vị trí TNTC ở ngay chỗ nối giữa vòi trứng và tử cung là nguy hiểm nhất, vì khó chẩn đoán được sớm. Khi thai vỡ sẽ gây mất máu nhiều và nhanh, ảnh hưởng đến tính mạng và khả năng có thai sau này của sản phụ.
Nguyên nhân dẫn đến TNTC

Bình thường, thai sẽ làm tổ ở trong buồng tử cung, tuy nhiên tất cả những yếu tố ngăn cản hay làm chậm trễ sự di chuyển của trứng từ nơi thụ tinh vào đến buồng tử cung đều có thể gây nên TNTC. Thông thường, có 3 nhóm nguyên nhân chính gây nên hiện tượng TNTC.

Nhóm 1: viêm nhiễm vòi trứng

Viêm nhiễm vòi trứng sẽ gây tắc, hẹp vòi trứng và dễ gây ra TNTC. Viêm nhiễm vòi trứng thường do bệnh lây truyền qua đường tình dục gây nên như trực khuẩn lậu hay bệnh do chlamydia trachomatis.

Trước khi bị viêm phần phụ, bệnh nhân thường bị bít vòi trứng hoàn toàn dẫn đến vô sinh. Nếu có điều trị thuốc, vòi trứng cũng bị hẹp lại dễ dẫn đến TNTC.

Ngoài ra, trực khuẩn lao cũng có thể làm hẹp vòi trứng, gây nên tình trạng TNTC.Nạo phá thai cũng là một nguyên nhân gây viêm nhiễm vòi trứng.

Nhóm 2: các bệnh phụ khoa như: khối u phần phụ, dị dạng bẩm sinh vòi trứng…

Vòi trứng có thể bị tắc hoặc hẹp bởi bệnh lạc nội mạc tử cung, khối u phần phụ chèn ép vòi trứng, những phẫu thuật lên vùng bụng gây dị dạng vòi trứng như: vòi trứng bị kéo dài, bị gập góc… hoặc những tác động trực tiếp lên vòi trứng từ trước như: triệt sản, nối vòi trứng…

Ngoài ra, vòi trứng còn có thể bị tắc/hẹp bẩm sinh.


Nhóm 3: chất nicotin

Các nghiên cứu cho thấy, thuốc lá không chỉ làm chậm và khó thụ thai, sảy thai tự nhiên mà còn gây nên hiện tượng TNTC ở các sản phụ.Chất nicotin có trong thuốc lá làm hỏng các nhung mao phủ trên các thành ống và làm giảm cử động của các vòi trứng, gây khó khăn cho quá trình trứng thụ tinh tiến về tử cung. Từ đó dẫn đến trứng làm tổ trong vòi trứng và phát triển thành TNTC, gây nguy cơ vỡ vòi trứng.

Những phụ nữ hút từ 10 điếu thuốc/ngày trở lên có nguy cơ TNTC gấp 1,5 lần người khác.

Triệu chứng TNTC

Có 3 triệu chứng chính để chẩn đoán sớm TNTC:

Rối loạn kinh nguyệt, ốm nghén:

Sản phụ bị tắt kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt như: rong kinh, trễ kinh. Cũng có trường hợp, sản phụ sau khi tắt kinh còn bị ra máu bất thường, máu thường màu đỏ tươi.Ngoài ra, sản phụ còn bị ốm nghén biểu hiện ở việc buồn nôn và nôn.


Đau bụng:

Nguyên nhân thường là do tình trạng căng dãn của vòi trứng, gây ra đau bụng âm ỉ ở một bên vùng bụng dưới rốn. Ban đầu sản phụ có thể thấy đau âm ỉ, tuy nhiên cơn đau sẽ tăng dần, và sẽ đau dữ dội khi vòi trứng bị vỡ. Lúc đó, sản phụ sẽ có cảm giác mệt lả, da xanh xao, đôi khi còn dẫn đến tình trạng hôn mê. Trường hợp xuất huyết nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong ở sản phụ do không tự cầm máu được.


Xuất huyết âm đạo:

Xuất huyết âm đạo thường xuất hiện muộn hơn 2 triệu chứng trên, do khi thai phát triển trong vòi trứng có thể gây rạn nứt. Sản phụ có thể thấy ra một ít máu sậm màu và kéo dài.Nhiều khi, xuất huyết xuất hiện gần với ngày có kinh (theo chu kỳ), làm cho sản phụ dễ nhầm lẫn với kinh nguyệt, hay rong kinh. Một số trường hợp sau khi đi điều hòa kinh nguyệt hoặc nạo thai về thì tiếp tục ra huyết âm đạo kéo dài, đau bụng ngày càng tăng. Siêu âm có thể thấy có khối nhỏ cạnh tử cung, đôi khi còn thấy tim thai đập, có dịch trong bụng thì cũng rất có thể là do TNTC.

Lưu ý: sẽ rất nguy hiểm vì với những triệu chứng như trên, người phụ nữ có thể nhầm lẫn với việc mình bị rong kinh, rối loạn kinh nguyệt hoặc bị lẫn với triệu chứng có thai giai đoạn đầu. Những dấu hiệu lâm sàng của việc ra máu âm đạo và đau bụng trong thai kỳ khá giống hiện tượng dọa sẩy thai và thai chết lưu nên cần được các bác sĩ khám và tiến hành siêu âm kỹ.


Điều trị TNTC

Ngay khi phát hiện các triệu chứng trên, sản phụ nên đến bệnh viện để có phương pháp điều trị thích hợp. TNTC càng được phát hiện sớm thì việc điều trị càng đơn giản. Với những khối thai chưa vỡ và có đường kính 3cm, bác sĩ có thể chỉ định tiêm một loại thuốc vào khối thai nhằm làm khối thai không tiếp tục phát triển sai vị trí và tự tiêu đi. Với những khối thai to hơn, phương pháp thông dụng là phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật nội soi có ưu điểm là làm giảm nguy cơ bị dính vùng bụng sau khi mổ. Tuy nhiên, nếu khối thai đã bị vỡ hoặc có quá nhiều máu trong ổ bụng bắt buộc bác sĩ phải tiến hành mổ hở. Sau khi điều trị, sản phụ vẫn có thể có thai lại như bình thường nhưng khả năng tái phát TNTC có thể trên 10%. Với trường hợp bị viêm nhiễm gây tắc hẹp vòi trứng thì khả năng này thậm chí còn cao hơn.

TNTC tái phát có thể lặp lại trên vòi trứng còn lại, trên chỗ mở của vòi trứng lần trước (nếu chưa bị cắt) hay trên mỏm cụt của vòi trứng đã bị cắt.

Cách phòng ngừa TNTC

Cách tốt nhất để phòng ngừa TNTC là người phụ nữ nên giữ vệ sinh tốt, đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt, sau khi hay đang trong thời kỳ cho con bú; hạn chế nạo phá thai; phòng ngừa viêm nhiễm sinh dục do các bệnh lây truyền qua đường tình dục (chung thủy 1 vợ -1 chồng, dùng bao cao su khi quan hệ) và chống viêm nhiễm sau khi sinh cũng như sau khi sảy thai.

Nếu phát hiện có hiện tượng khí hư bất thường, người phụ nữ nên đi khám phụ khoa để điều trị sớm. Điều trị càng muộn, nguy cơ viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung dẫn đến viêm nhiễm tử cung, vòi trứng càng cao, gây ra hậu quả TNTC.Đặc biệt với những sản phụ đã điều trị TNTC và muốn có thai trở lại, thời gian cần thiết để các chức năng sinh sản ổn định trở lại ít nhất là 1 năm.

Đồng thời khi đã có thai, sản phụ phải đi khám thai đều đặn và có sự theo dõi của bác sĩ.Các sản phụ cũng nên tích cực điều trị bệnh viêm khoang chậu và chứng viêm ống dẫn trứng, để ngăn chặn tình trạng TNTC.
 
Top