Vội vã tiến đến hôn nhân, đặt quá nhiều kỳ vọng cho một cuộc sống hoàn hảo, được sống theo ý thích của mình. Nhiều cô dâu rơi vào hoàn cảnh vỡ mộng nhà chồng.

Rầm! Căn nhà ba tầng như rung chuyển khi Thục Hân đóng cánh cửa phòng lại. Thế là chấm hết, Hân nghĩ cô không thể nào ở lại căn nhà này một giây nào nữa.

"Muốn còn chồng còn vợ, chúng ta phải ra riêng", tiếng Thục Hân vừa rít lên, vừa nức nở tạo nên thứ âm thanh hỗn loạn. Huy đứng ngoài cũng gào lớn: "Anh đã nói với em bao nhiêu lần rồi. Anh không muốn ở riêng. Sống với bố mẹ thì sao chứ. Em đừng có đòi hỏi quá đáng như vậy". Trong đầu Huy thầm nghĩ may mà bố mẹ anh hôm nay vắng nhà, nếu không chắc sẽ loạn hết cả lên.

(ảnh minh họa)

Đã hơn sáu tháng sau đám cưới, ngày nào Hân cũng đòi ra ở riêng nhưng chồng cô vẫn một mực không là không.

Vội vã rơi vào lưới tình

Đến với nhau qua sự giới thiệu của một người bạn, Hân đã quen biết và yêu Huy, một nghiên cứu sinh tại Mỹ chưa đầy 30 tuổi.

Chàng ấn tượng nàng ở sự xinh đẹp, duyên dáng, lại thêm chất giọng Hà Nội lúc trầm lúc bổng cứ như cuốn lấy người ta. Hân ngưỡng mộ anh chàng tuổi trẻ tài cao, mười năm du học ở Mỹ nhưng nếp sống vẫn đậm chất Á Đông, không mất gốc như nhiều người khác. Anh cũng là người chu đáo và rất ga-lăng với cô.

Những bức e-mail, những cuộc chuyện trò qua điện thoại, chát chít là sợi dây gắn kết mối tình giữa hai con người cách xa nhau nửa vòng trái đất.

Món quà đắt tiền như chiếc laptop, cái iPod, chai nước hoa, túi xách hàng hiệu cứ thỉnh thoảng lại được chàng gửi đến nàng như một minh chứng cho tình yêu của chàng ở nơi xa.

Họ hẹn nhau đến cuối năm, khi chàng bảo vệ xong luận văn tiến sĩ, về quê hương vinh quy bái tổ sẽ cưới nàng làm vợ. Nàng ngất ngây, say đắm nghĩ về hạnh phúc tương lai.

Chuyện tình của họ cứ thế trôi đi như một bản nhạc lãng mạn, rồi chợt khựng lại như đàn đứt dây khi có sự xuất hiện của đại gia đình nhà chàng.

Tỉnh giấc mộng yêu

Đám cưới diễn ra sau khi Huy hoàn tất khóa học tiến sĩ và Hân khăn gói vào Sài Gòn làm vợ, làm dâu nhà chồng.

Lễ cưới được hai người tự tay sắp xếp. Cả hai gia đình cho đến tận gần ngày cưới mới gặp được con dâu, con rể của mình.

Ngày đầu tiên ra mắt bố mẹ chồng, Hân "sượng trân". Vẻ hoạt bát, duyên dáng thường ngày của Hân biến mất, thay vào đó là sự kiệm lời, ít nói. Mọi người nghĩ cô chưa quen nên mới thế. Chỉ có Huy là người hiểu được sự "đổi tính" của cô. Hân không sốc sao được khi Huy nói giọng Sài Gòn, trong khi bố mẹ anh lại nói giọng đặc sệt miền Trung. Chưa kể, ông bà nhất định yêu cầu con dâu tương lai đến nhà chứ không chịu ra nhà hàng như Hân dự tính. Lý do ông bà đưa ra: ăn cơm ở nhà ấm cúng hơn.

Nói ra mắt bố mẹ chồng nhưng Hân choáng, suýt ngất khi thấy cả gia đình bà con, anh em, họ hàng gần 30 người có mặt chờ gặp cô dâu. Huy còn hùng dũng giới thiệu: "Nhà anh khi nào cũng có cả chục người trở nên".

Nghe xong câu nói của Huy, tự nhiên Hân có cảm giác mình sẽ có một cuộc sống hoàn toàn khác với những gì cô tưởng tượng. Tuy vậy, Hân tự trấn an mình biết đâu sau này vợ chồng sống riêng mọi thứ sẽ ổn.

Nghệ thuật khó nhất trên đời là nghệ thuật đối xử giữa người với người.

Cú "sốc" văn hóa mang tên gia đình

Sau tuần trăng mật, Hân đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nhà chồng giàu có nhưng vẫn giữ nếp sống cần kiệm thời xưa. Mẹ chồng tự tay làm việc nhà, những việc vặt, các con, các cháu tự làm lấy. Hân thấy vậy cũng lao vào làm cùng mọi người nếu không e chướng mắt.

Mâm cơm chiều lúc nào cũng gần cả chục người gồm tất cả già trẻ lớn bé trong nhà. Mọi người lại có thói quen chờ nhau ăn cơm. Là cô dâu mới, Hân còn chưa kịp quen hết mọi người, giờ phải ngồi ăn cùng trong khi chẳng biết nói gì để góp chuyện. Cô cứ lặng lẽ ăn cho xong.

Nhà đông người, dù mỗi cặp vợ chồng một phòng riêng, có điều hòa thoải mái, nhưng Hân vẫn thấy thiếu không gian ghê gớm. Ăn mặc lúc nào cũng phải kín đáo để khi chạy xuống bếp uống miếng nước hay bố mẹ chồng có gọi thì đã "đàng hoàng" rồi.

Vợ chồng son mà âu yếm nhau cũng phải kín đáo, dòm trước ngó sau. Đi đâu về mệt, cô cũng không dám thả người xuống ghế salon mà khẽ lên phòng đóng cửa nằm nghỉ. Đi chơi cuối tuần với chồng, Hân phải canh về nhà trước giờ giới nghiêm 10 giờ 30.

Lạ người, lạ chỗ, lại từ miền Bắc vào không quen biết ai, suốt ba tháng quanh quẩn ở nhà làm dâu chờ kiếm việc, Hân cảm thấy khổ sở như phải chịu cực hình.

Hân không ngờ trên thực tế cô lại khó thích nghi với lối sống "đậm chất Á Đông" của chồng, điều từng làm cô ngưỡng mộ anh. Cả gia đình chồng cô, ai cũng là người tử tế nhưng phải chi Hân được tiếp cận sớm hơn.

Nhiều lần Hân đòi về Hà Nội, nhưng Huy không đồng ý, khuyên lơn đủ điều.

Cô yêu chồng nhưng trong lòng cảm thấy hụt hẫng. Cô thầm trách anh khi yêu sao không cho cô nhìn thấy toàn bộ bức tranh về gia đình mình. Kiểu sống này không xấu, sao phải giấu? Sao không kể cho nhau nghe hết? Sao không chia sẻ hết để yêu cho hết lòng, yêu cho không còn gì để hối tiếc?

Nhiều lúc, Hân trách mình sao quá vội nhận lời yêu để rồi rơi vào một mớ tơ vò không biết gỡ ra đằng nào.

Chồng cô, anh chàng lãng mạn, đa tình, chiều cô hết mực ngày xưa giờ suốt ngày bận việc. Làm việc qua mạng, thỉnh thoảng anh lại đi công tác ở Mỹ để họp hành, bỏ mặc cô vợ tự xoay sở với đại gia đình mình.

Hơn ba tháng sau ngày cưới, Hân chờ đợi nhưng chẳng thấy chồng đả động gì đến chuyện ra riêng. Cuộc sống cứ thế ngột ngạt, Hân càng nghĩ càng rối, chẳng biết làm cách nào thay đổi tình hình.

Không bạn bè, Hân cũng không muốn tâm sự với mẹ vì cô sợ bà lo lắng. Không biết từ lúc nào, Hân trở thành khách quen của tổng đài điện thoại tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình.

Hân kể, có thời điểm cô bị "chẩn đoán" là có dấu hiệu bị trầm cảm, may mà làm theo hướng dẫn của các chuyên gia tư vấn, cô đã vượt qua được giai đoạn này.

Liệu pháp để chống sốc

Để hòa hợp được với đại gia đình chồng, Hân đã lập một chương trình hoạt động cho mình và chồng. Lẽ ra họ phải cùng nhau làm điều này từ trước khi cưới nhưng dẫu sao muộn còn hơn không. Hân nhủ thầm: "Chẳng lẽ có thể lại bỏ chồng, thôi còn nước còn tát".

Cô cởi mở hơn với mọi người trong gia đình Huy. Biết bố mẹ chồng thích trò chuyện, cô tăng cường "thời lượng đối thoại" với ông bà. Cô dâu Bắc nghe bố mẹ chồng nói giọng Quảng Trị dù chẳng hiểu nhiều, cứ dạ thưa, nhưng ông bà thích lắm. Đi đâu, Hân cũng mua quà về cho cả nhà.

Cô cũng lăng xăng vào bếp với mẹ chồng. Nhiều lúc cả nhà được một phen cười ra nước mắt vì cô dâu Bắc cho ăn một tuần hết bảy ngày là canh rau muống, rau lang luộc. Bố mẹ chồng hỏi đùa: "Con cho cả nhà ăn kiêng hả con?". Hân chỉ biết cười: "Con không biết nêm theo khẩu vị cả nhà, hôm nào mẹ dạy cho con mấy món ngon của mẹ nhé!".

Được lời như cởi tấm lòng, cả nhà không chê trách Hân mà thương cô hơn. Bây giờ cứ sáng sáng, Hân chỉ việc ghé xuống bếp, cầm cái cặp lồng cơm mà mẹ chồng chuẩn bị sẵn cho con dân ăn trưa. Với Hân, cuộc sống một năm sau khi cưới đã bắt đầu dễ thở hơn.

Cuộc lội ngược dòng của Hân bước đầu khá thành công, nhưng cô đã phải trải qua một giai đoạn hậu trăng mật kém ngọt ngào. Nguyên nhân của vấn đề là do sự hời hợt của Hân. Khi yêu, cô chỉ quan tâm đến người mình yêu, đến địa vị, công việc và tính tình mà quên tìm hiểu gia đình của Huy. Điều này khiến cô bị hụt hẫng khi về sống chung.

Kết hôn không đơn giản chỉ là sự kết nối giữa hai con người bởi cả hai còn có rất nhiều mối dây liên hệ khác. Đó là các thành viên trong gia đình.

Đừng kỳ vọng mọi sự thay đổi ở gia đình mà bạn về làm dâu/ rể. Hãy chủ động tìm hiểu và kiểm tra khả năng thích nghi của mình trước khi quyết định yêu và kết hôn.

Người xưa có câu "Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông", chẳng phải là có lý đó sao?

Theo Tiếp thị Gia đình

 
Top