Một nghiên cứu khoa học đã cho thấy lượng vi khuẩn trên chiếc thớt cao thứ hai trong nhà bếp và thậm chí cao gấp… 50 lần so với thiết bị vệ sinh được làm sạch hàng tuần.

Thói quen vẫn tồn tại ở nhiều gia đình hiện nay là dùng thớt thái thức ăn tươi sống để thái thức ăn chín, hoặc là dùng quá lâu một chiếc thớt mà không nỡ vứt bỏ. Do vậy, dù rửa sạch nhưng lượng vi khuẩn còn trong các vết cắt trên bề mặt thớt vẫn còn rất nhiều. Chính điều này tạo nên các vệt đen trên mặt thớt nhựa hay các vết mủn nát nơi thớt gỗ. Những vết cắt hằn trên thớt sẽ là nơi lý tưởng để cho vi khuẩn trú ẩn và tiếp tục sinh sôi. Vì vậy khi người sử dụng dùng thớt để thái các thức ăn chín như giò chả, thịt luộc hay hoa quả, vi khuẩn từ thớt sẽ bám sang thức ăn, nguy cơ bị nhiễm các bệnh đường ruột rất cao.

Việc làm sạch thớt nghe qua tưởng đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và không kém phần cầu kỳ. Nếu đã dùng thớt để thái các loại thịt, cá sống thì khi muốn tiếp tục thái rau lại cần làm vệ sinh kỹ. Để làm sạch thớt thông thường, quy trình khá phức tạp: Đầu tiên cần gột sạch các thức ăn còn bám lại trên thớt bằng nước nóng. Sau đó, đổ một thìa clo đã trộn cùng với 1 phần 4 thìa nước lên mặt thớt, rửa sạch bằng nước lã và để cho khô.

Nên có 2 chiếc thớt trong bếp: một chiếc chuyên dùng để sơ chế các loại thịt sống, chiếc còn lại để thái rau, hoa quả và các loại thức ăn chín. Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ hạn chế được phần nào vi khuẩn, không thể triệt tiêu chúng hoàn toàn trên mặt thớt và cũng làm tốn khá nhiều thời gian của các bà nội trợ.

Một cách làm khác đơn giản và hiệu quả hơn là dùng các loại thớt được làm bằng nhựa sạch có độ tinh khiết cao.
 
Top