Hôm đám cưới, người dân xóm Bắc Châu, xã Kỳ Châu (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ai cũng biết chú rể Phạm Xuân Giang vừa cưa mất một chân vì ung thư xương, còn cô dâu Lê Thị Phương Thảo khiếm thị. Tình yêu đã đưa họ vượt qua bệnh tật, khiếm khuyết cơ thể để làm nên một hạnh phúc tròn đầy...

Thật cảm động khi mọi người thấy Giang vừa lê chân giả vừa dắt cô dâu chậm rãi bước vào phòng cưới. Nhìn cảnh đó, hai người mẹ nghèo ở hai miền quê Kỳ Anh và Nghi Xuân đều bật khóc: “Các con có được ngày như thế này là vui lắm rồi”.

Ngày cưới của con, mẹ cô dâu đã bán đi con lợn nái, tài sản duy nhất trong nhà, để mua chiếc nhẫn vàng gần một chỉ làm của hồi môn cho con. Còn mẹ chú rể chạy vạy mất một tuần mới lo được đám cưới.

Nhiều khách mời đã rớt nước mắt khi đôi uyên ương giới thiệu phòng tân hôn chưa đầy 13m2. Chính tay Giang tự trang trí phòng cưới của mình. Giang mua giấy hồng, giấy bạc, xếp hình chim bồ câu và những cánh hồng mộc mạc dán lên tường. Giang nói tài sản quý nhất của căn phòng này không phải là chiếc giường cưới mới mua hay tủ đựng quần áo của bạn bè tặng, mà đó là sự đồng cảm của hai con người tàn tật trong căn phòng nhỏ.

Giang sinh năm 1986 trong một gia đình làm nông nghèo ở xóm Bắc Châu. Lớn lên, Giang học nghề lái ôtô. Đầu năm 2006, Giang bị tai nạn xe máy. Tưởng không nghiêm trọng nhưng khi vết thương tái phát Giang mới biết mình bị bệnh viêm xương phải cưa bỏ chân phải. Sự tuyệt vọng chưa dừng lại khi Giang biết mình bị ung thư xương... Đó là thời gian Giang không muốn sống, nhiều lần muốn tìm đến cái chết.

Thấy đời mình bị vùi dập trong những cơn đau, Giang quyết định xin vào Trung tâm dạy nghề Thành Sen để vừa học nghề, vừa làm chứ ngồi nhà lại càng buồn thêm. Những ngày mới đến Giang luôn buồn, thường chống nạng ra bờ sông Phủ ngồi hằng giờ. Biết Giang lầm lì, cô gái khiếm thị Thảo có đôi má lúm đồng tiền luôn tìm cớ trò chuyện.

Có lần nghe người bảo Giang đang ngồi bên bờ sông Phủ, Thảo lần dò ra nhưng Giang ngồi lặng im, không lên tiếng. Thế là Thảo đứng hoài một chỗ để nghe tiếng động của Giang. Nhìn Thảo đứng mãi Giang cũng... sốt ruột bèn gọi Thảo lại trò chuyện. Kể từ đó những chiều thứ bảy, chủ nhật mọi người ở Thành Sen lại thấy đôi bạn trẻ này rủ nhau ra bờ sông trò chuyện. Giang đã xem Thảo như em gái mình. Thảo cũng kể chuyện mình bị mù sau một cơn đau lúc mới lên 3, chuyện cô xin vào trung tâm này học nghề may giúp gia đình.

Thấy Giang và Thảo thân thiết, ai cũng bảo đôi trẻ đã yêu nhau. Nhiều lần Thảo gợi ý nhưng Giang lảng đi. Giang biết căn bệnh ung thư của mình sẽ làm khổ đời Thảo.

Một ngày tháng 7-2008, Giang phát nóng, phát rét nằm liệt giường. Thảo dò dẫm nấu cháo, mua thuốc về cho Giang. Thấy Thảo vì mình mà lo lắng quá nên vừa khỏi bệnh Giang đã kể tất cả cho Thảo. Nhưng cô gái khiếm thị đã dịu dàng mà cương quyết nói với Giang cô vẫn yêu anh và sẽ cùng anh đương đầu với mọi nỗi bất hạnh.

Sau đám cưới Giang và Thảo đều quay lại Thành Sen, người học tiếp lớp đào tạo hàn, người tiếp tục may. Ước mơ lớn nhất của họ là trở thành thầy giáo, cô giáo dạy cho những đứa trẻ khuyết tật ở trung tâm.

Khi hỏi ngoài ước mơ này, vợ chồng Giang còn ước mơ nào nữa, Giang cười tươi: “Chân cô ấy lành lặn thì mắt lại không nhìn thấy gì. Chân tôi không lành lặn thì mắt lại thấy tất cả. Tôi ước có một giờ cùng cô ấy dạo bước bên bờ biển để cô ấy cảm nhận tiếng rì rầm của sóng biển, để tôi tựa người bên cô ấy nhìn xa hơn...”.


 
Top