Anh rất thích ăn canh khổ qua, còn tôi thì không ưa đắng mà lại thích chua. Để vừa lòng “ông xã”, tôi bèn nấu cho anh một tô canh khổ qua và luộc thêm một tô rau muống, lấy nước vắt chanh cho riêng mình – cũng là để cho mâm cơm thêm phần phong phú.

Tôi cứ tưởng ông xã sẽ vui khi có đến hai thứ để lựa chọn, nhưng thật bất ngờ khi bưng mâm cơm lên bàn, anh yên lặng nhíu mày và buông một câu buồn bã: “Em đem mâm cơm xuống đi!”. Tôi ngạc nhiên hỏi : “Tại sao vậy?”. Anh nghiêm mặt trả lời: “Chỉ có hai vợ chồng mà mỗi người một tô canh, mất tình cảm quá!”.

Thực sự tôi rất buồn, nhưng nghĩ lại anh đang muốn được thể hiện cái “tôi” của đấng mày râu khi mới bắt đầu làm chồng, tôi đành lẳng lặng bưng tô canh “sở thích” của mình đem đi đổ. Và quả thật, như một người thắng thế, ông xã tôi đã tươi cười trong suốt bữa ăn hôm đó.

Từ đó, tôi cố công đi tìm hiểu những sở thích của ông xã và nếu thấy “chấp nhận được”, tôi luôn làm theo. Điều đó khiến ông xã tôi luôn thấy hài lòng về tôi. Mỗi lần đi chợ tôi lại đùa: “Còn thích đắng không?!” Và lại nhận từ anh một nụ cười. Phần tôi dần dà cũng “ghiền” luôn vị đắng của bát canh mà chồng tôi thích. Còn anh thì ăn mãi cũng đâm chán. Biết thế nhưng tôi cứ vờ như đang được chiều anh, vẫn tiếp tục bát canh đắng hàng ngày và chờ một ngày anh tự yêu cầu thay đổi.

Hình như được chiều quá, chồng tôi đâm quen và coi sở thích của mình là tối thượng. Một lần tôi thực hiện món kho có ngũ vị hương mà tôi rất thích. Bữa ấy ngồi vào mâm cơm, anh lại nhăn mặt: “ Mùi thế này, ngon gì, sao mà ưa thế?”. Tôi im lặng, không phản ứng gì và cũng không đem cất món kho đi, ngược lại tôi ngồi “chén” món kho này một cách ngon lành.

Vài hôm sau tôi lại cố tình nấu một món kho có ngũ vị hương, nhưng cũng không quên nấu một món tương tự mà anh rất thích. Bữa ăn được dọn lên và tôi chờ đợi. Quả nhiên chồng tôi lại tiếp tục câu nói hôm trước: “Mùi thế này, ngon gì, sao mà ưa thế?”. Bây giờ, tôi không im lặng nữa: “Em đã tôn trọng sở thích của anh rất nhiều, đúng không? Vì anh, em đã “ghiền” món canh khổ qua mà trước đây em rất không thích. Vậy sao anh không tôn trọng sở thích của em? Anh không thích mùi ngũ vị hương thì đã có món khác cho anh. Chẳng lẽ em không được quyền thích một món nào của riêng mình sao?”.

Ban đầu, anh có vẻ bất ngờ nhưng rồi lại yên lặng…

Thực ra, hai cơ thể khác nhau sống chung dưới một mái nhà, tránh sao khỏi những bất đồng về cá tính, sở thích, về góc độ đánh giá, cảm nhận, kinh nghiệm, kiến thức, quan điểm sống…! Vấn đề là cả hai có biết chấp nhận và cùng nhau khắc phục hay không thôi.

Những bất hòa nhỏ, nếu mỗi cá nhân không chú ý ứng xử tế nhị thì sự khó chịu dần dần làm lòng người trở nên băng giá, lâu dài sẽ trở thành vô cảm. Khi xảy ra “sự cố”, phải biết đâu là giới hạn, đâu là điểm dừng… tránh tình trạng “kẻ chua, người đắng” – ai cũng có “cái tôi” của từng người để trung hòa lẫn nhau (sự dung hòa giữa cá tính của hai vợ chồng là việc cần thiết để giữ được hòa khí) giúp nuôi dưỡng tình yêu giữ vững hạnh phúc gia đình.

 
Top