Cơ thể con người sau khi trải qua một mùa hè nắng gắt, tiêu hao nhiều năng lượng, khi mùa thu đến khí hậu mát mẻ sẽ khiến cơ thể dần cân bằng trở lại. Vì thế, hoạt động sinh lý của các cơ quan thay đổi, lượng mồ hôi thoát ra cũng ít đi, sự sản sinh và tản phát nhiệt độ cơ thể cùng với sự trao đổi muối cũng dần đạt đến sự cân bằng, vì vậy, cơ thể bước vào một giai đoạn khôi phục theo chu kỳ sinh học. Tuy nhiên, khi mùa thu đến, dương khí giảm, âm hàn cũng tăng lên, khí hậu bắt đầu mát mẻ, khô hanh, có thể làm xuất hiện các hiện tượng khô miệng, khô môi, khô mũi, khô cổ họng, lưỡi khô, ho khan, đại tiện khô, da khô và gây nên một loạt biến đổi về sinh lý trong cơ thể. Để tăng cường sự điều tiết của cơ thể, phòng ngừa bệnh tật phát sinh chúng ta cần chú ý đến chế độ ăn uống như sau:
PHÒNG TÁO BÓN, DƯỠNG ÂM:
Chế độ ăn uống cần tăng thêm nhiều rau quả tươi để phòng ngừa táo bón. Nếu ăn nhiều vừng, hạnh đào, gạo nếp, mật ong, sữa, đường mía… sẽ có tác dụng bổ âm, bổ phổi và dưỡng huyết.
GIẢM VỊ CAY, TĂNG VỊ CHUA:
Giảm ăn các thực phẩm có vị cay như hành, gừng, tỏi, ớt…. Nên ăn nhiều các thức ăn có vị chua như chanh bưởi, sơn tra và các loại rau tươi.
Ngoài ra các loại rau quả, thịt, cá, đậu, tôm… thông thường, những thức ăn sau đây chúng ta có thể sử dụng trong mùa thu:
Quả hồng: trong sách Y học cổ đại đã đề cập đến quả hồng có tác dụng bổ ích, bôi trơn phổi, làm ngừng cơn khát. Đối với những người sống ở các vùng thiếu iod có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp trạng, nếu ăn nhiều hồng sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh này. Phần tai (cuống) của quả hồng vừa có tác dụng an thai vừa có thể ngăn được chứng nấc.
Nhưng cũng giống như bất kỳ một loại thức ăn khác, nếu ăn quá nhiều hồng sẽ không tốt cho cơ thể, đặc biệt là những người cơ thể bị suy nhược. Người mắc chứng sợ lạnh, người thường xuyên bị tiêu chảy, hoặc những người ho nhiều thì nên ăn ít hoặc không nên ăn hồng. Điều đáng lưu ý là sau khi ăn hồng không nên ăn cua.
Củ ấu: củ ấu có tác dụng thanh nhiệt, giải khát. Nếu đi du lịch trong mùa thu bạn nên mang theo một ít củ ấu để ăn sẽ có tác dụng giải khát, làm tiêu tan mệt nhọc. Tuy nhiên, khi ăn sống cần phải chú ý rửa sạch vì bên ngoài vỏ củ ấu thường hay có ký sinh trùng. Củ ấu luộc chín để ăn có lợi cho hệ tiêu hóa. Gần đây, y học hiện đại phát hiện ra, trong củ ấu còn có chứa chất chống ung thư. Nhưng chúng ta không nên ăn nhiều củ ấu, vì dễ bị chướng bụng, đầy hơi.
Hoa Atiso: hoa Atiso là một loại thức ăn đặc biệt chỉ có trong mùa thu. Đông y cho rằng hoa atiso có tác dụng bổ tim phổi, những người có bệnh phổi như ho nhiều, ho khan không đờm nên ăn hoa atiso. Các chất dinh dưỡng trong hoa atiso rất phong phú, bao gồm protein, vitamin, caroten, trong đó carotene, có tác dụng nhất định trong việc phòng tránh ung thư. Có nhiều phương pháp chế biến hoa atiso, cũng có thể ăn lẫn với rau. Người ta thường dung atiso và gạo nếp nấu thành cháo, cho them một ít đường, loại cháo này không chỉ ngon miệng mà còn có tác dụng an thần, trị chứng mất ngủ. Cũng có thể dùng atiso với hạt sen và táo đỏ đun lên thành dạng cháo ăn điểm tâm buổi sáng, có tác dụng an thần tốt.
Hạt dẻ: hạt dẻ cũng là một loại thức ăn bổ dưỡng. Đông y cho rằng, hạt dẻ có tác dụng “kiện tì, bổ thận”. Hạt dẻ có thể dùng chế biến để ăn dưới nhiều dạng như nấu canh, chế biến thành bột rồi cho them một ít đường, sữa bò, sữa chua để ăn. Nếu nấu hạt dẻ với hoa atiso để ăn sẽ có tác dụng bổ dưỡng, ngon miệng. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều hạt dẻ, nếu ăn quá nhiều dễ bị chướng bụng, đầy hơi.