“Mỗi lần nhìn thấy lão ấy xun xoe chạy sang nhà hàng xóm giúp hết việc này đến việc khác trong khi việc ở nhà cứ để chất đống đấy cho vợ con làm là mình lại điên hết cả người...” – chị Khánh (Khương Thượng, Hà Nội) than thở.

Theo như lời chị Khánh, “lão chồng quý hóa” của chị có đầy đủ mọi tật xấu như các đấng mày râu khác như: thích lê la bia rượu với bạn bè ngoài đường hơn là về ăn cơm với vợ con mỗi tối, cũng lười và ở bẩn, quần áo mặc xong chỉ việc bỏ vào chậu cho vợ giặt thôi cũng ngại nên thay đồ ra là bạ đâu giúi đó cho đến khi bốc mùi không chịu nổi. Ấy nhưng, những tính xấu ấy không khiến chị khó chịu bằng cái thói lăng xăng, hăng hái việc nhà... hàng xóm nhất là hàng xóm nữ trong khi vợ nhờ cái gì thì cấm có chịu làm cho tử tế. Chị gọi cái thói ấy là “ga lăng rởm đời”.

Cái bệnh “ga lăng rởm đời” của chồng chị Khánh thì đúng là căn bệnh kinh niên, nói bao nhiêu cũng không thể thay đổi. “Bồn rửa mặt của nhà có cái vòi bị rỉ nước, mình đã nói với chồng bao lần mà lão ý cứ ậm ừ để đấy, đến cả tuần sau cũng chưa thấy động tĩnh gì chuyện sửa sang thế mà cô Hoa góa chồng nhà bên nhờ sửa cái công tắc bóng đèn hỏng thì lão ý chạy sang giúp còn nhanh hơn điện xẹt”, chị Khánh thở dài ngao ngán.

Những chuyện vốn luôn bị coi là “việc đàn bà” như: nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa chồng chị không giúp vợ đã đành, những chuyện thuộc về sở trường của giới đàn ông: sửa đồ điện nước, máy móc hỏng hóc... anh cũng “chây ì” không chịu giúp vợ. Mà không phải anh không biết làm cho cam, chồng chị Khánh đường đường là kỹ sư điện tử tốt nghiệp Đại học Bách khoa chứ chẳng phải tay mơ, chẳng qua là tại cái tính làm biếng, quen ỷ lại mọi việc cho vợ. Cái quạt ở nhà trục trặc, lúc chạy cứ phát ra tiếng động rè rè, chả nhẽ trong nhà có kỹ sư điện tử lại phải đem ra hiệu nên chị bảo chồng xem sửa chữa thế nào. Chồng chị ban đầu thì “to còi”: “ôi giời, đơn giản, tôi chỉ phẩy tay cái là xong!”. Chị đợi cái “phẩy tay” của chồng một hôm, hai hôm rồi đến cả tuần cũng chẳng được nên phải mang ra cửa hàng sửa đồ điện tử ở đầu ngõ sửa cho nhanh.

Ấy vậy mà hàng xóm, nhất là cô Hoa góa chồng nhà bên cạnh, cô Phương chồng là bộ đội xa nhà ở đầu ngõ nhờ vả cái gì thì anh hăng hái lắm. Lúc thì người ta thấy anh chạy sang mắc hộ cái bóng đèn, sửa cái ghế gãy chân cho nhà cô Hoa, lúc lại thấy anh “tả xung hữu đột” để sửa chữa lại hệ thống ống nước đã cũ kỹ của nhà cô Phương. Anh làm nhiệt tình, xăng xái đến nỗi các cô cứ nhìn thấy anh là cười toét miệng, cứ nhìn thấy vợ anh là lại tấm tắc: “Chị Khánh sướng thế, lấy được ông chồng cái gì cũng biết làm, cái gì cũng biết sửa!”. Được khen “sướng” mà chị chỉ thấy bầm gan tím ruột vì... tức chứ chẳng hạnh phúc gì. Về nhà “xả giận” với chồng thì lại bị chồng trách lại: “Em toàn nghe người ta nói rồi nghĩ linh tinh. Người ta chồng chết, chồng đi công tác xa nên chẳng có ai giúp đỡ những việc nặng. Anh là đàn ông, chả nhẽ phụ nữ nhờ mà lại không giúp? Mình sống ở đây, cũng là hàng xóm láng giềng, giúp được gì thì nên giúp”. Đến khi chị vặc: “Em mới là người cần được anh giúp đỡ nhiều nhất thì sao anh không giúp? Chả nhẽ em không là phụ nữ à? Anh cứ lấy cớ giúp với chả đỡ rồi để người ta đồn đại linh tinh thì liệu phần hồn với tôi!”... thì anh chồng chỉ thanh minh mấy câu chiếu lệ rồi im tịt. Và cái thói “việc nhà thì nhác, việc... cô hàng xóm thì siêng” thì vẫn chứng nào tật ấy.

Chồng chị Khánh không phải là người đàn ông duy nhất mắc cái chứng “nan y” khó chữa này. Chị Liên (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng luôn có tâm trạng ngán ngẩm khi nhắc đến chồng mình.

Do đất ông bà để lại rất rộng rãi nên nhà chị Liên có xây một dãy phòng trọ cho sinh viên thuê. Mấy cô bé sinh viên ở đó rất thích chú Quang (tên chồng chị Liên) vì chú rất nhiệt tình. Mọi việc: sửa chữa đồ điện nước, đồ đạc bị hỏng hóc chỉ cần nhờ một tiếng là chú giúp ngay mà không hề có bất cứ một sự phiền trách nào. Ấy nhưng, chỉ có mình chị Liên là hiểu được rằng, ông chú “đáng yêu, dễ mến” trong mắt các cô gái thuê phòng lại là đức ông chồng lười biếng, ỷ lại đến như thế nào. Việc trong nhà từ nhỏ đến lớn, từ rửa bát, quét nhà đến dịch chuyển đồ đạc, sửa sang nhà cửa... đều do một mình chị làm. Có nhờ chồng chỉnh sửa cái công tắc điện, xem hộ cái xe đạp tuột xích cho con thì chị cũng phải nói đến khản cả cổ họng. Không phải chồng chị có “ý đồ” gì với những cô bé thuê nhà trọ, chỉ đơn giản, anh muốn giúp đỡ vì thương các cô phải sống xa gia đình, xa người thân. Chỉ có điều, anh quên mất rằng, người cần được giúp đỡ nhất, người đáng được hưởng sự giúp đỡ đó nhất chính là người vợ của mình khi chị đang phải gồng mình lên để làm hết mọi việc trong gia đình, kể cả những việc thuộc về phái mạnh.

Theo Phununet


 
Top