Gần đây, xuất hiện một lối sống trong một bộ phận thanh niên. Những đôi nam nữ sống chung như vợ chồng không có đăng ký kết hôn. Sau một thời gian, nếu thấy phù hợp, họ tiến tới hôn nhân chính thức, có đăng ký kết hôn theo pháp luật. Còn nếu thấy không phù hợp, họ chia tay nhau không cần đến pháp luật. Người ta gọi đó là sống thử.

image001.jpg

"Sống thử" một phút nhưng "đau thật" cả đời (ảnh vtc.vn)

Những người cổ vũ cho lối sống này cho rằng cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong xu thế hội nhập quốc tế, các giá trị đạo đức truyền thống có thể có những điều đã lỗi thời thì sống thử có nhiều điều tốt. Họ cho rằng nguyên nhân gây nên bất hạnh của nhiều gia đình, nhất là gia đình trẻ, là do người ta đã không hiểu đầy đủ về nhau, sau khi kết hôn mới thấy không hợp nhau về nhiều phương diện, mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình không thể điều hoà được và dẫn đến bất hạnh, ly hôn và nhiều hệ luỵ khác. Vì vậy, họ cho rằng, trước khi kết hôn, người ta nên thử sống chung như vợ chồng một thời gian, nếu thấy phù hợp thì mới chính thức đăng ký kết hôn, còn không thì thôi, chia tay nhau đường ai lấy đi, làm lại từ đầu cuộc sống hôn nhân gia đình của mình, không cần ai can thiệp.

Những người trung thành với đạo đức truyền thống phương đông, nhất là các bậc phụ huynh, vốn xem trọng sự trinh tiết của phụ nữ thì phản đối kịch liệt lối sống này, cho là lối sống buông thả, không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Công bằng mà nói thì lớp trẻ có quyền bảo vệ đạo đức theo quan niệm của họ. Mà quan niệm về đạo đức qua mỗi thế hệ cũng có sự khác nhau, không nên và không thể áp đặt được. Lớp trẻ ngày nay giao lưu rộng rãi với thế giới, nhiều người không coi trọng sự trinh tiết nữa, họ coi việc có đời sống tình dục trước hôn nhân là chuyện bình thường.

Vì rằng sự khác nhau về quan niệm và lối sống giữa các thế hệ và giữa người này và người khác là điều tự nhiên, nên nếu đứng trên quan niệm của người này mà áp đặt cho người khác thì sẽ không tránh khỏi xung đột. Cha mẹ thì bảo con cái là hư hỏng, con cái thì nói cha mẹ là cổ hủ lạc hậu.

Vậy Sống thử - nên chăng?

Người viết bài này vốn thuộc chuyên ngành hoá lý Nhiệt động học, rất thích Nguyên lý thứ hai nổi tiếng nói về chiều hướng diễn biến của các sự vật, nên thường nhìn nhận mọi việc theo những quy luật gắn với thời gian của nó. Và đời sống xã hội, tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình... dù có phức tạp đến đâu, vẫn là một phần của thế giới này, vẫn có những quy luật của nó và có những điều hiển nhiên mà mọi người, dù khác quan niệm sống, vẫn cũng thừa nhận.

Trước hết xin khẳng định: Sống thử chẳng những là không nên, mà còn trước hết là không thể.

Kinh nghiệm của ông bà ta muôn đời từng nói: Bát nước hắt xuống đất rồi, không thẻ múc lại cho đầy được nữa. Kinh nghiệm này được Khoa học hiện đại chứng minh bằng toán học hẳn hoi: Quá trình tự nhiên là quá trình tăng độ hỗn loạn (tăng entropy). Người ta dã chứng minh điều này là tương đương với tính một chiều của thời gian, phù hợp với kinh nghiệm của loài người: Thời gian đã trôi đi thì không bao giờ trở lại.

Bạn chỉ có một cuộc sống, nên dù bạn có sống kiểu gì thì bạn vẫn đang sống thật, vì mỗi giây trôi đi là bạn sẽ già đi một giây. Cách sống thử của các bạn trẻ như nói trên, vẫn là sống thật, vì sau đó, bạn mất thật một thời gian gắn với một loạt các giá trị thật không thể lấy lại được. Xin nhắc lại: Bạn mất thật vì có những giá trị luôn gắn với thời gian, thời gian trôi đi thì nó cũng trôi đi theo: Ví dụ bạn sống thử với một người từ 18 đến 20 tuổi thì bạn sẽ mất những gì đẹp nhất trong 2 năm thanh xuân của cuộc đời cho người đó, nếu sau này bạn kết hôn với người khác, người thứ hai sẽ phải chịu thiệt thòi phần này (đây là trường hợp bát nước bị đổ đi). Đó là điều không thể chối cãi. (Nếu bạn kết hôn được với người đã sống thử với bạn thì điều này mới được 2 người lưu giữ lại - đây là trường hợp bát nước không bị đổ đi).

Tại sao lại là không nên? Lý do là tất cả những hy vọng về kết quả sống thử đem lại cho bạn đều không có gì là chắc chắn:

Trường hợp “sống thử” thành công, cũng chẳng có gì đảm bảo là sống thật cũng sẽ thành công như thế: Giả sử sau 2 năm sống thử, hai bạn thấy rất hợp nhau và quyết định tiến tới hôn nhân hợp pháp. Lúc này bạn mới đối mặt với những thực tê mới hoàn toàn. Đó là những vấn đề mới nảy sinh chỉ có sau khi kết hôn: quan hệ kinh tế sâu hơn, ràng buộc trách nhiệm pháp lý rõ ràng, con cái; cha mẹ, họ hàng, bạn bè, sự nghiệp của cả hai người v.v... có ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình mới của bạn. Cuộc sống thực sự mới phức tạp hơn nhiều và bây giờ các bạn còn thấy hợp nhau nữa không mới là điều quyết định. Một ví dụ hiển nhiên về sự khác nhau này là khi còn chưa kết hôn chính thức bạn sẽ không muốn và cũng không thể được phép thực hiện được các nghĩa vụ với gia đình chồng (hoặc vợ), song bây giờ thì đó là một việc bình thường phải có. Có rất nhiều ví dụ khác tương tự chứng minh rằng kinh nghiệm trong khi “sống thử” chẳng có tác dụng là bao trong cuộc sống hôn nhân chính thức về sau, vì khi đó hoàn cảnh là khác hẳn.

Kinh nghiệm của riêng 2 người trong thời gian “sống thử” sẽ chẳng đáng là gì so với những kinh nghiệm của bao người khác đã từng trải qua hôn nhân thực sự mà bạn có thể học được dù bạn chưa trực tiếp trải qua. Do vậy, muốn có hiểu biết đầy đủ để chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, người ta phải học hỏi nhiều điều từ nhiều (không phải một) người đi trước chứ không thể dựa vào kinh nghiệm chỉ của chính mình qua thời gian “sống thử” được.

Trường hợp “sống thử” không thành công, chắc chắn là bất lợi cho hôn nhân về sau của bạn: Cũng giả sử sau 2 năm “sống thử”, các bạn chia tay vì thấy không hợp nhau. Sau đó bạn gặp và yêu một đối tượng mới, bạn có dám tiếp tục “sống thử” nữa không. Đa số người ta sẽ không dại gì phí mãi thời gian và tuổi xuân như thế nữa. Hơn nữa đối tượng mới của bạn, nếu người ấy là người có hiểu biết vừa phải, công bằng mà nói, sẽ coi bạn là người đã có một đời chồng (hay vợ) vì chính bạn coi “sống thử” là sống như vợ chồng mà. Người đó có quyền “trừ điểm” của bạn trong cuộc hôn nhân mới này (bởi người ấy không được bạn giành cho 1 quãng đời đẹp nhất của bạn – thế mới công bằng, sòng phẳng). Dù quan niệm hiện đại đến đâu thì cũng phải công nhận rằng người đã qua cuộc sống vợ chồng rồi (dù là thử) thì phải bị “trừ điểm” so với những người bình thường - nếu không phải thế thì những người ly dị đã có nhiều cơ hội kết hôn lại hơn những người chưa kết hôn lần nào kết hôn lần đầu.

Hơn nữa, vì chỉ có hai người coi nhau là vợ chồng, còn xã hội và gia đình thì không, nên chẳng có ai giúp đỡ cho “vợ chồng” bạn khi gặp những khó khăn trục trặc nhỏ trong tình cảm để nó không bùng phát thành mâu thuẫn lớn; chẳng có ai bảo vệ “gia đình” của bạn khi có kẻ thứ ba nhòm ngó. Và nỗi lo chẳng may có thai trước khi kết thúc giai đoạn “sống thử” sẽ khiến cho cuộc sống tình dục “vợ chồng thử” của các bạn không bao giờ có được niềm hạnh phúc tự nhiên như trong một cuộc hôn nhân hợp pháp. Thật đáng thương thay. Và còn bao điều bất lợi nữa không thể kể hết. Cho nên “Sống thử”, phần lớn sẽ là không thành công.

Mặt khác, suy cho cùng, “sống thử” là không cần thiết. Nếu thật sự đã thoáng, đã hiện đại trong cách nhìn về hôn nhân mà dám “sống thử” – dám coi một người đã “sống thử” cũng như một người “chưa mất gì” thì tại sao các bạn không thấy rằng một người đã kết hôn chính thức rồi ly hôn cũng đáng được coi như thế. Cuộc sống hiện đại cho phép kết hôn và ly hôn cũng đều rất dễ dàng, miễn là nó đem lại cuộc sống cho người ta hạnh phúc hơn. Thế thì cần gì phải “sống thử” nữa. Nếu đã thấy tin yêu được nhau, thì cứ kết hôn và sống thật đi. Nếu sau một thời gian thực sự thấy không phù hợp,thì ra toà mà chia tay nhau cho đàng hoàng, rồi làm lại từ đầu. Chắc chắn rằng kinh nghiệm hôn nhân của người đã ly hôn một lần sẽ đầy đủ và đúng đắn hơn nhiều so với kinh nghiệm của một người đã qua 10 lần “sống thử’. Một người đã ly dị và kết hôn lần hai sẽ chín chắn và có cơ may thành công trong hôn nhân hơn một người kết hôn “lần đầu’ sau khi đã “sống thử” nhiều lần. Chẳng phải vô cớ mà Nhà nước lại phải có Luật hôn nhân và gia đình: chính là nhằm bảo vệ hạnh phúc cho các gia đình mà thôi. (Như tôi thì bao giờ cũng cho người đã ly hôn một lần điểm cao hơn người chưa kết hôn lần nào nhưng đã qua nhiều lấn sống như vợ chống với những người khác)

Không chỉ là lý thuyết. Đây là hiện thực: Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ: Hiện ở Việt Nam có 5% các em gái sinh con trước 18 tuổi, tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm tới 20% các ca nạo phá thai. Nhiều em gái gặp bế tắc sau khi “sống thử” đã tự tử. Việt Nam hiện là một nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Trong đó có biết bao nhiêu ca là hệ quả của “sống thử”. Và các bạn đừng quên y học đã khẳng định nạo phá thai lần đầu rất có hại cho đường sinh nở về sau. Biết bao sự bất hạnh mà những người đã trót sống chung như vợ chồng song lại không được pháp luật và xã hội thừa nhận phải chịu mà bất cứ ai cũng có thể đưa ra ví dụ. “Sống thử”, được thì khó thấy, song mất thì Thật rồi.

Cuộc sống chỉ có một, những gì trôi qua sẽ không bao giờ trở lại. Con người phải biết trân trọng từng giây cuộc sống. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi hành động để không phải hối hận vì đã sống hoài, sống phí những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời mình - Tuổi trẻ lẽ nào lại phí tổn một quãng đời thực cho một điều Không thể làm, (mà dù có thể thì cũng) Không nên làm, Không cần thiết phải làm như vậy.

 
Top