Ảnh: Corbis.com.

Gần đến ngày cưới, ngoài việc chuẩn cho hôn lễ, Liễu còn canh cánh lo vì tật nghiến răng của mình. Nhóm bạn thân cùng ký túc xá trước kia còn trêu: "Đêm tân hôn chắc cả nhà anh ấy sẽ bị màn 'tấu đàn đá' của mày đánh thức", khiến Liễu càng sợ.

Thời sinh viên, khi ở ký túc, người bạn cùng phòng Liễu (Thanh Oai, Hà Nội) đã bao nhiêu lần nửa đêm phải bật dậy vì nghe những âm thanh ken két "rợn cả tóc gáy" phát ra từ miệng bạn. Rồi cả phòng quyết tâm chữa tật này cho Liễu bằng cách cứ hễ nghe cô nghiến răng là một người ra lay dậy, thậm chí tát vào mặt cô.

Giờ khi sắp bước lên xe hoa, Liễu lo không biết khi ngủ ở nhà chồng mình có bị nghiến răng không và nếu mọi người nghe thấy thì sẽ như thế nào. Liễu lại nhớ trước đây, người dì ruột của cô mãi hơn 40 tuổi vẫn không dám lấy chồng chỉ vì mặc cảm mình hay nghiến răng.

Chị Hòa, 35 tuổi ở Bắc Giang cũng than thở khi chồng mắc tật này. Đêm ngủ anh thường nghiến răng rất to. Chị vốn đã khó ngủ, nhất lại những hôm có việc không vui thì càng bực bội khi nghe tiếng ken két ngay bên tai. Có hôm chị quay sang tát vào miệng chồng khiến anh vùng dậy, cau có mắng vợ rồi lại ngủ tiếp.

"Lúc ngủ mà còn bị tra tấn thế thì ai chịu nổi. Dạo này, sáng nào đi làm mình cũng mệt phờ vì đêm trước mất ngủ", chị thổ lộ. Nghe bạn bè mách cho chồng ăn ngẩu pín 9 bữa thì đỡ, chị cũng thử làm nhưng chưa thấy hiệu quả.

Bác sĩ Phạm Thanh Sơn, Trung tâm Tai mũi họng Softhai, Bệnh viện Phương Đông (TP HCM) cho biết nghiến răng là một kiểu bệnh và bệnh nhân vô thức đã nghiến chặt hàm răng của họ, thường xảy ra trong lúc ngủ.

Theo bác sĩ Sơn, nguyên nhân hàng đầu gây chứng này là yếu tố tinh thần căng thẳng. Kiềm chế sự tức giận hay bực tức không được giải tỏa cũng là nguyên nhân khó điều trị. Ngoài ra, tính hung hăng cũng gây ra chứng nghiến răng khi ngủ và có liên quan đến trạng thái giận giữ hay tâm trạng thất vọng.

Bên cạnh những nguyên nhân tâm lý trên, nhiều người mắc tật nghiến răng do sự sai lệch bất thường của răng hàm trên và hàm dưới, dẫn đến lệch khớp cắn.

Tật nghiến răng xảy ra ở trẻ con thường liên quan đến sự phát triển của răng và xương hàm, nhất là những trẻ dưới 7 tuổi. Răng của trẻ đang trong giai đoạn phát triển thường gây ra ngứa ở vùng nướu, làm cho bé nghiến răng một cách miễn cưỡng.

Chứng nghiến răng có thể gây ra bởi vài nguyên nhân khác như sự thoái hóa của hệ thần kinh trung ương, bệnh nhân có sử dụng một số thuốc điều trị trầm cảm, cũng như các thuốc về tâm thần.

Bác sĩ Sơn cho hay, nghiến răng sẽ làm tổn thương răng, mòn men răng, dễ bị sâu răng. Ngoài ra, nó có thể gây nhức đầu mãn tính, đau mặt, rối loạn khớp thái dương hàm, thay đổi khớp cắn…

Một trong các phương pháp mới để điều trị nghiến răng là thôi miên. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có hiệu quả với những người mắc tật có nguyên nhân liên quan đến trạng thái cảm xúc hay tinh thần căng thẳng.

Ngoài ra, bạn nên sinh hoạt, làm việc điều độ, tránh bị stress trong cuộc sống, duy trì tinh thần lạc quan, yêu đời. Nếu có gì buồn bực, mệt mỏi, bạn nên thư giãn, nghỉ ngơi, chơi thể thao, đi du lịch, tập yoga…

Nếu bệnh nghiến răng của bạn do nguyên nhân cơ học từ cấu tạo răng, xương hàm thì việc đeo máng nhai sẽ có tác dụng. Dụng cụ này sẽ ngăn chặn sự phá hại răng, làm giảm tình trạng đau cơ và khớp thái dương - hàm. Cũng có thể áp dụng kỹ thuật mài để điều chỉnh, loại bỏ các vướng cộm khớp cắn.

 
Top