Nơi đâu có người Êđê cư ngụ, nơi đó xuất hiện “núi đôi” vĩnh cửu. Khó có thể cưỡng lại sự hấp dẫn, nhiều du khách đã ngắm nhìn đắm đuối, có người dùng tay vuốt ve, sờ soạng. Không phải ai cũng biết được bó mật phía sau những chiếc cầu thang kỳ lạ nhất Việt Nam này!
NGẬP TRÀN BẦU SỮA MẸ!
Giữa đại ngàn, đón bình minh trong sương, trong gió và không gian u tịch của rừng già đã mang lại cảm giác “đang ở chốn tan bồng”. Để xua tan cái giá lạnh của buổi sớm mai, người Êđê nơi đây có tập quán nổi lửa dưới chân những ngôi nhà dài. Từ trong ánh lửa đỏ, thấy thấp thoáng bóng dáng của những chiếc cầu thang vú, tất cả đều tròn trịa, no đầy, sung mãn!
Dưới chân ngôi nhà dài ở cuối buôn, 77 mùa rẫy, vì cái tai không còn thính như con nai, con mễnh nên già Y muôi t’rich đã trả lời nhầm câu hỏi. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi biết được vô số chuyện lạ có liên quan đến ngôi nhà dài như chỉ cần nhìn vào cửa sổ bên hông ngôi nhà là có thể biết được nhà đó có bao nhiêu phụ nữ đã và chưa lập gia đình. Thú vị nhất là chuyện “người già đứng ở vạch khởi điểm rồi gõ 1 tiếng cồng, hay thổi tù và. Nghe thổi, 1 người trẻ sẽ chạy, đến khi nào không nghe tiếng kèn, tiếng chiêng ngân thì dừng lại. Đó là điểm dừng của ngôi nhà. Ngày xưa, có nhà dài hơn 200m đấy”.
Buôn Khít có hơn 30 ngôi nhà dài và ngôi nhà nào cũng có cặp “núi đôi” phía trước sân. Nhà dài của già Y muôi t’rich cũng không ngoại lệ. Đó là những chiếc cầu thang nối giữa mặt đất với sàn nhà bằng gỗ không có tay vịn, những nấc thang thì ngắn, nhỏ, lại dốc chân xuống nên rất khó đi. Đầu cầu thang, chỗ vịn tay để bước vào nhà là 2 bầu ngực căng đầy.
Ngoài đôi bồng đảo, đỉnh cầu thang được đẽo giống mũi con thuyền, tựa như mái nhà dài của đồng bào. Già Y muôi t’rich lý giải: “Truyền thuyết kể tổ tiên mình ở vùng biển nên con cháu mình cũng không được quên. Cái mũi cầu thang nè, cái vách nhà dài và hẹp dần từ trên xuống tựa như lòng con thuyền (cũng thu hẹp dần về phía đáy) là theo tục lệ cha ông mình đó!”
Để có cái nhìn cận cảnh hơn về những chiếc cầu thang kỳ lạ, theo chỉ dẫn của già “nhà thằng Y Buốt là từ cái gỗ tốt nên còn nguyên”, tôi đáo sang và được gặp “núi đôi” đón chào. Do được nhiều người vịn, sờ nắn nên đôi gò bồng đảo ấy lên nước bóng loáng. “ Nó được đẽo khi ông cha mình chưa ra đời kia. Ai tới đây cũng đến thăm nó đấy” – Y Buốt háy mắt hóm hỉnh.
Nhà nhỏ thì cầu thang nhỏ. Cầu thang khiêm tốn thì “núi đôi” khiêm tốn và ngược lại. Những chiếc “cầu thang vú” ở buôn Khít quả là một hình ảnh kỳ lạ, độc đáo giữa đại ngàn.
ẨN GIẤU NHỮNG Ý NIỆM SÂU XA
Lão nghệ nhân Y Gông b’dap ở làng đảo Bản Đôn thuộc xã Ea Wel, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk là người đa tài. Ngoài nằm lòng các làn điệu dân ca Êđê như Vay Vay, Hơh Cứ Jú, Ay Ray, Ea Vôi,… già còn diễn tấu xuất thần và chế tác được nhiều nhạc cụ truyền thống gồm trống, kèn, bộ gõ…. Tại nhà của Y Buốt, già tự sự: “Mình được ông bà cha mẹ sinh ra ở buôn này. Lớn lên mới về Ea Wel. Lâu lâu nhớ thì về thăm thôi mà!”.
Cũng từ lão nghệ nhân mà tôi biết được nhiều bí mật về những chiếc “cầu thang vú”. Người e theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ làm chủ gia đình, con cái lấy họ mẹ và người chồng phải đi “làm dâu”, nghĩa là phải sang ở nhà vợ. Thế nên chiếc cầu thang mới chạm hình bầu ngực, biểu trưng của chế độ “nhi nữ thượng quyền”. “Đó là hình tượng của người mẹ đấy. Những cái xưa như của nhà Y Buốt, bên cạnh cái bầu ngực còn có hình vầng trăng khuyết hay đôi chim cu. Ông cha bà mẹ mình nói cái lòng tốt, sự chung thủy của mẹ, của vợ đấy”.
Quả đúng như miêu tả của lão nghệ nhân, nhìn kỹ mới thấy chiếc cầu thang vú cầu thang vú của nhà Y Buốt có hình vầng trăng. Thời gian, nắng mưa đã bào mòn hình ảnh ẩn ý này. Tôi đảo sang những nhà dài khác, dù căng mắt để nghía nhưng chẳng thấy trăng hay chim cu. “Chỉ những cái từ xưa mới có thôi. Lớp sau này, không biết, không để ý đâu mà” – lão nghệ nhân Y Gông b’dap nhấn giọng.
Những chiếc cầu thang vú ấy theo cách gọi của đồng bào là “cầu thang cái”. Nhà dài bao giờ cũng có “cái đực” đi cùng. “Chiếc cái” được để ở vị trí trang trọng trước cửa nhà còn chiếc đực bé hơn rất nhiều đặt lệch xa về phía bên trái. “Chiếc cái” dành cho phụ nữ và khách quý. Chiếc đực dành cho đàn ông trong gia đình. Già Y muôi t’rich nhắc nhở: “ Ông cha mình qui định rồi, của ai thì người đó dùng thôi. Người nữ đi cái đực không sao. Nếu thấy người nam đi chiếc cái là làng phạt rượu, phạt heo đấy!”.
Hôm ấy, tôi có ghé thăm nhiều gia đình để hỏi thêm thông tin về những chiếc “cầu thang vú”. Được các già làng mách từ trước nên khi vào nhà ai, tôi cũng đặt hai tay lên bầu ngực chiếc cầu thang cái trước khi bước lên nhà. “Đấy là cách một người khách thể hiện sự tôn trọng nữ chủ nhà. Nhưng không phải ai cũng biết được phong tục này đâu”. Được khen, tôi thừa cơ hội hỏi anh Y K’Duôn có nhà ở đầu buôn: “liệu có những bí mật nào của cầu thang vú mà mình chưa biết?”. K’Duôn bật mí: “ Các bậc cầu thang đều có số lẻ, như số 3, số 5, số 7 nè. Không có số chẵn và số 9 đâu. Số chẵn là số của ma quỷ. Số lẻ là số của người. Người Êđê mình thích nhất là số 7. Nó là số may mắn đấy!”.
Y K’Duôn cũng chỉ cho tôi cách nhận biết khi nào thì không được phép vào nhà. Khi nhà có chuyện buồn hay họp riêng, không muốn ai quấy rầy, mình sẽ lật ngược thang cái lại, cái đực thì để nguyên. Như vậy thì đừng vào. Chủ nhà sẽ không vui, không đón tiếp đâu đấy”.
LÀNG SẼ KHÔNG CÒN GÌ!
Các già làng kể chuyện, muốn đẽo cái cầu thang cái, phải làm lễ cúng chứ không đơn giản như làm cái đực. “Bà chủ nhà phải mời thầy cúng. Sẽ chặt nhát dao đầu tiên và cuối cùng!”.
Qua quan sát và tìm hiểu, được biết về mặt hình thức, cầu thang có hai loại: ván và thân cây chặt khúc làm bậc lên xuống. Dày từ 30-40cm, rộng tối đa 60cm và dài đến 2,5m, cầu thang ván được đẽo từ một thanh cây lớn có hình chiếc thuyền lướt sóng. Thân cây chặt nấc làm cầu thang ít đòi hỏi công sức nên thường được dùng làm cầu thang đực. Riêng cầu thang cái là biểu trưng của luật tục nên không đòi hỏi nhiều kỳ công. Thân cây sẽ được đẽo gọt thành ván. Từ đó mới được khắc nấc và những hình tượng đặc trưng. Công đoạn này đòi hỏi những thanh niên vừa khỏe vừa khéo tay mới làm được.
Những chiếc cầu thang vú là điểm nhấn văn hóa đặc sắc vừa hữu hình, vừa vô hình của dân tộc Êđê. Điều đáng quan tâm là mốc son này đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như bị thời gian hủy hoại, lớp trẻ giờ đây không ai biết đẽo như người xưa, những ngôi nhà của thời đại mới không còn dùng cầu thang gỗ.
Chiều về, gió rừng xào xạc. Những chiếc “cầu thang vú” vẫn lặng thinh nghênh đón những biến chuyển của thời gian. Không biết mai này, trong số những chiếc cầu thang núi đôi mà tôi gặp hôm nay, có cái nào bị người ta biến thành hàng hóa và bị bứng ra khỏi rừng để về làm cảnh trong những ngôi nhà khoái khoe mẽ? Già Y muôi t’rich nhẩm tính, đã có 3 cái như thế được người ta chở đi. Hôm trước có người đòi đổi lấy cái máy phát phim nhưng mình không chịu. Nhưng những đứa trẻ thấy thích lắm!”.
Theo Tố Như
(An Ninh Trật Tự)
 
Top