Cà phê là thức uống được chế thành từ hạt cà phê. Bởi cách thức chế biến không giống nhau nên cà phê được phân ra nhiều loại khác nhau: cà phê hoà tan tinh chế, cà phê tan… tác dụng chủ yếu của cà phê là làm hưng phấn hệ thống trung khu thần kinh, tiêu trừ mỏi mệt và nâng cao hiệu quả công việc. Vì thế, ngày nay uống cà phê đã trở thành thói quen của một số người ở các thành phố.

Xét về thành phần dinh dưỡng, trong 100g hạt cà phê có 2,2g nước; 8,6g protein; 11g chất béo; 36,7g đường; 2g cafein, 9g chất xơ; 6g acid tannic; 120g canxi; 170mg photpho; 42mg sắt; 3mg natri; 120mg vitamin b2; 3,5mg vitamin pp… nếu uống cà phê với một số lượng thích hợp và đúng cách thì xét về mặt nào đó thức uống này cũng có lợi đối với sức khoẻ.

Cà phê chứa cafein – một chất kích thích làm hưng phấn hệ thần kinh mạnh hơn cả trà vì hàm lượng cafein của cà phê cao hơn rất nhiều so với trà. Cà phê có tác dụng trong việc giãn nở và thu nhỏ các nhánh phế quản, tác động đến hệ tim mạch, làm tăng khả năng cung cấp máu của tim, làm tăng nhịp đập,có hiệu quả điều trị nhất định đối với bệnh huyết áp thấp và bệnh hen suyễn. Ngoài ra, uống cà phê tăng cảm giác thèm ăn, thúc đẩy sự hấp thu và tăng cường trao đổi chất trong cơ thể. Tuy nhiên, khi uống cà phê bạn cần lưu ý những điều sau:

Tránh pha cà phê có nồng độ quá đặc

Một số người do mải miết làm việc và học tập nên thường sử dụng những cốc cà phê rất đặc để kích thích tinh thần sảng khoái, hăng say làm việc nhưng làm như vậy rất có hại cho sức khoẻ. Nếu bạn uống những ly cà phê đậm đặc sẽ khiến nhịp tim đập nhanh, huyết áp cũng tăng và xuất hiện những hiện tượng khác thường trong cơ thể như: nôn nóng, bất an, sốt ruột,ù tai và có thể chân tay bị run. Với những người bị bệnh cao huyết áp, bệnh động mạch vành còn có thể dẫn tới tim bị đau thắt.

Không nên cho quá nhiều đường vào cà phê

Cho một lượng đường thích hợp vào cà phê khi uống sẽ làm tăng mùi vị thơm ngon của cà phê, nhưng nếu cho quá nhiều đường sẽ làm giảm mùi vị cà phê. Mặt khác, khi uống cà phê có pha nhiều đường có thể làm kích thích các tế bào insulin trong tuỵ và tạng, đồng thời làm giảm lượng đường trong máu từ đó khiến cho sự trao đổi đường trong cơ thể bị rối loạn.

Không nên pha cà phê trong thời gian quá lâu

Thời gian pha cà phê quá lâu có thể làm cho các chất thơm trong cà phê bị giảm và làm tăng vị đắng của cà phê.

Không nên đồng thời uống cà phê với rượu

Sau khi uống rượu xong mà lại lập tức uống cà phê sẽ khiến cho đại não hưng phấn quá độ, tiếp đó là thần kinh bị ức chế, kích thích sự giãn nở của huyết quản, tăng nhanh sự tuần hoàn máu, dẫn đến tăng gánh nặng cho tim, làm tổn thương sức khoẻ. Sự tổn thương này thậm chí còn vượt quá rất nhiều lần so với việc chỉ uống rượu đơn thuần.

 
Top