Ngoài việc thể hiện cá tính, cách chọn lựa trang phục khi đến nơi làm việc còn thể hiện thái độ và cách nhìn của người mặc với vị trí mà họ đang đảm nhận.
Trưa thứ bảy, được bạn cũ mời đi dùng cơm, tôi vui vẻ nhận lời. Đúng giờ hẹn, có mặt ở quán, chờ đợi tôi, không phải là người bạn học đoan trang, mộc mạc ngày nào mà là một cô nàng chân dài váy cực ngắn, trang điểm rất khéo. Thấy bạn mình mắt tròn mắt dẹt, cô kéo tay tôi ngồi xuống ghế, ỏn ẻn: “Đi làm, không đẹp là không xong đâu”.



“Ngắn lên”, “hở ra”

Vừa nhỏ nhẹ dùng bữa, Ngọc Khánh, cô bạn tôi, vừa kể về quá trình phấn đấu của mình từ một nhân viên tập sự đến vị trí trưởng phòng marketing như hiện nay. Cơ quan không áp dụng đồng phục, từ những ngày đầu, Khánh trung thành với áo sơ mi, quần tây như phong cách từ trước đến nay của mình.

Thạo việc, lại cư xử với mọi người nhỏ nhẹ, lễ phép, hòa đồng... nhưng không hiểu sao, mỗi lần có việc, các đấng mày râu trong cơ quan lại dồn cả nhiệt tình giúp đỡ của mình vào cô thư ký xinh đẹp, vào cơ quan cùng đợt với Khánh. Mọi ưu đãi đều dành hết cho người đẹp ấy. Khánh chia sẻ với tôi câu chuyện khiến cô đau lòng. Dịp nghỉ mát của cơ quan là lần cô tủi thân nhất.

Lúc chuyển các vật dụng từ ngoài vào khu vực cắm trại, cách đó gần 3 km, trong khi cô phải khệ nệ ôm, vác cùng mọi người thì các anh thi nhau đến bên cô thư ký xinh đẹp ấy xin... vác hộ. “Tôi cứ như là người thừa, lủi thủi đi cùng các chị đồng nghiệp lớn tuổi”- Khánh ấm ức.

Các chị đồng nghiệp mách nước: “Em có dáng đẹp, tội gì cứ kín bưng như các cụ như thế, “ngắn lên, hở ra” một chút xem chúng nó có nhìn em khác không?”.

Sau lần đó, Khánh quyết tâm “tút” lại bản thân, bắt đầu chú ý trang điểm khi đến cơ quan. Những chiếc áo sơ mi giản dị, Khánh xếp cất, thay vào đó là hàng loạt váy, áo, cái nào cũng ngắn trên gối, khoe đôi chân thẳng dài và vòng một cực chuẩn mà lâu nay cô giấu sau lớp vải.

Hình ảnh của Khánh mà tôi gặp hôm ấy, rõ ràng là xinh đẹp và gợi cảm. Khánh khoe, từ khi biết chăm chút bản thân, cô cũng đã thu hút sự chú ý của các đồng nghiệp. Nhận được sự ưu đãi mà các chàng ngày trước, chẳng bao giờ dành cho mình, công việc, giao dịch bên ngoài cũng thuận lợi hơn. Khánh thực sự hài lòng với những gì mình đã đầu tư cho nhan sắc.

Tác nhân cái đẹp

Một cuộc khảo sát khá thú vị trên mạng, do thương hiệu thời trang công sở Bolzano thực hiện, với hơn 300 phụ nữ tham gia đã cho một kết quả khá bất ngờ. Có đến trên 50% cho rằng trang phục công sở hiện nay quá “kín cổng cao tường”, nên “mát mẻ” một chút. Chỉ có số ít, 26% cho rằng nên kín đáo khi đến công ty.

Kết quả khảo sát này cho thấy, các chị biết được thế mạnh vẻ đẹp cơ thể mình. “Không đơn thuần là được chú ý, ưu đãi hơn, chúng tôi cũng muốn khoe cái đẹp của mình chứ”- Hoàng Yến, nhân viên tiếp thị mỹ phẩm, chia sẻ.



Có cầu, ắt có cung, các nhãn hiệu thời trang công sở hiện nay bắt đầu chú ý hơn, hạn chế các thiết kế quá kín đáo, chuẩn mực như trước kia.

Anh Hoàng Phương, trưởng phòng một công ty cung cấp vật liệu xây dựng, kể: Đa phần, nhân viên công ty toàn là mày râu, chỉ có vài bóng hồng. Không hiểu có phải vì làm việc trong môi trường “sắt thép” quá hay không mà các nàng đến cơ quan chỉ toàn mặc quần bò, áo thun, không thì quần tây, áo sơ mi kín cổ.

Dịp đám cưới giám đốc, các chị không biết rủ nhau thế nào mà diện váy áo rực rỡ khiến từ nhân viên đến giám đốc đều ngạc nhiên. Sau lần đó, sếp bắt đầu chiến dịch khuyến khích nhân viên làm đẹp khi đi làm. Hoàng Phương phấn khởi: “Không phải “tăm tia” chi cơ thể các chị em nhưng nếu họ biết làm đẹp, ăn mặc phù hợp cho chúng tôi chiêm ngưỡng thì đó cũng là tác nhân khiến chúng tôi làm việc thoải mái hơn chứ!”.

Hình ảnh của công ty

Anh Lê Minh Đức, Giám đốc kinh doanh Công ty Thời trang Lita, nhận định: “Dù có “thoáng” như thế nào thì trang phục công sở cũng phải bảo đảm tính lịch sự vì khi đó, hình ảnh của nhân viên cũng là hình ảnh của công ty”. Anh tư vấn, thay vì chọn những thiết kế thiếu kín đáo, phụ nữ chỉ cần chọn chất liệu vải mềm mại, có độ rủ cao. Những chất liệu này không những đem lại sự thoáng mát mà còn tạo nét quyến rũ từ những đường cong của người mặc.

Cái đẹp được tôn vinh là điều tất yếu. Tuy nhiên, cái đẹp nào cũng có chuẩn mực. Nó phải phù hợp với con người và điều kiện kinh tế. “Có nhiều cách để làm đẹp nơi công sở, để người khác phải chú ý chứ không chỉ là “khoe” thân trong những bộ trang phục hở trước, hở sau”- chị Mai Hoa, trưởng phòng nhân sự một công ty dược phẩm, nhận xét.

Nếu không biết điểm dừng, rất có thể, trang phục quá mát mẻ hay cách chăm chút thái quá của các nữ nhân viên cũng sẽ khiến người khác khó chịu.

Cô bạn tôi, sau khi khoe áo quần xênh xang, cũng không tránh được tiếng thở dài vì: “Làm hoài mà chẳng thấy dư dả gì?”. Dư dả sao được khi mà bao nhiêu tiền lương, cô đổ vào quần áo, mỹ phẩm... đến hơn một nửa.
Theo An ninh Th? đô
 
Top